Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng bộ đội thông tin có vai trò hết sức quan trọng trong tham mưu và chỉ đạo tác chiến của quân đội. Trung đoàn Thông tin 136 là một trong những đơn vị “đặc biệt”, không thuộc phiên chế quân, binh chủng nào mà đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Bộ đội Thông tin. Trọng trách của đơn vị là bảo đảm thông tin liên lạc bí mật, thông suốt từ miền Bắc đến các chiến trường miền Nam. Từ những năm 1972-1975, hơn 100 người con ưu tú của Thái Nguyên đã được bí mật lựa chọn lên đường nhận nhiệm vụ trong đơn vị này.
Trong những chuyến về thăm lại ATK ở Thái Nguyên, Đại tá Kim Sơn (Nguyễn Huy Văn) cán bộ Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, người giúp việc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những ngày giải phóng thị xã Thái Nguyên (8-1945) luôn dành ra những khoảnh khắc “riêng tư” mà ít người biết. Một trong những lần như thế, tôi đã được chủ quán cháo lòng Hòa Lan, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) gọi điện báo: “Đại tá Kim Sơn đang ở quán nhà tôi”. Quán cháo thường ngày chỉ bán đồ ăn nhanh buổi sáng, nhưng trưa ấy bỗng đông đúc, sôi nổi khác thường. Đồ ăn vẫn đầy đặn mà chẳng mấy ai dùng đến, tất cả chủ và khách chỉ vồ vập trò chuyện với vị sĩ quan già, quấn quýt như cha con lâu ngày gặp lại. Hỏi ra mới biết Đại tá chính là thủ trưởng cũ của anh em chiến sĩ Trung đoàn Thông tin 136 thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Năm nay ông đã bước sang tuổi 85 và những chiến sĩ Trung đoàn Thông tin 136 ngày ấy ở Thái Nguyên cũng đã lên chức ông bà, nhưng ông vẫn nhớ tên từng người. Mỗi khi ông xướng tên ai đó, tất cả lại hò reo phấn khởi, hồn nhiên như thủa mười tám, đôi mươi trên chiến trường.
Thương binh Đỗ Văn Bình cùng đồng đội bên chiếc Ăng-Gô, kỷ vật thời ra chiến trường của chiến sĩ thông tin.
Bác Nguyễn Văn Trọng, Phó ban liên lạc cựu chiến sĩ Trung đoàn Thông tin 136 Thái Nguyên, trú tại phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) không giấu nổi xúc động nhớ lại: Khi vào chiến trường, mỗi tổ công tác thường thì 3-4 người, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin, liên lạc tuyến dây từ 20-30km và ở độc lập trong rừng sâu của Tây Nguyên. Không phải trực tiếp giáp mặt như ngoài tuyến lửa, nhưng tính mạng luôn bị rình rập bởi những trận tập kích của định hoặc cánh quân Phun-rô. Mùa mưa, có những đêm nằm trong rừng, bất chợt bị tập kích mà không biết đạn bắn từ đâu và không định được đường ẩn nấp. Hàng ngày phải đi nối dây, giấu dây sau khi khắc phục các điểm bị địch đánh phá, đặt mìn. Chính vì vậy, có những lần chúng tôi phải dầm lương khô ăn vội để đi làm nhiệm vụ, rồi cũng có đồng đội đã mãi mãi không trở về. Đại tá Kim Sơn ghì chặt chiến sĩ của mình là ông Trần Quang Hòa vào lòng mà nhớ lại: Tháng 7-1976, Tây Nguyên đang mùa mưa, đơn vị cử thêm một tổ công tác đi tăng cường ở Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk làm nhiệm vụ khắc phục sự cố và phát tuyến. Sau khi hoàn thành công việc, cả hai tổ cùng ăn bữa tối rồi chia tay, để lại 3 chiến sĩ làm nhiệm vụ. Vừa rời khỏi lán được gần tiếng đồng hồ, bỗng dưng trong đêm mưa, súng cối nã ào ào về phía lán. Mỗi người bạt một ngả chìm ngập trong mưa rừng và đêm tối. Sáng hôm sau trở lại thì tất cả đã thành bãi đất cháy xém nham nhở với gần 100 hố đạn cày xới.
Ông Hòa lặng đi trong giây lát rồi rưng rưng kể: “Tôi vô thức đi đào bới khắp nơi rồi gục xuống bên những người anh em, đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Thực, trú tại phường Cam Giá và Nguyễn Thái Hà trú tại phường Trưng Vương”. Bấy giờ kẻ thù là những tên tàn quân Ngụy, những phiến quân Phun-rô, hàng ngày chúng vẫn đội lốt dân thường rình rập bộ đội, phá hệ thống thông tin.
Còn cựu chiến binh Đỗ Văn Bình là thương binh hạng 3/4, trú tại, tổ 2, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) nhớ lại: Rạng sáng 15-7-1975, tổ công tác của ông có các đồng đội: Nguyễn Chí Dũng ở phường Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Quang ở phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) nhận nhiệm vụ đi khắc phục sự cố tuyến dây khu vực thị trấn Mỹ Thạch, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Người đeo súng, người gùi dây vượt núi trong làn sương mờ ảo, khi chỉ còn cách điểm dây đứt 20m, bất ngờ một cơn địa chấn rung chuyển cả vùng, khói đen bốc lên phủ kín, ông chỉ kịp giữ một đầu dây và người bay lên không trung rồi bất tỉnh. Khi tỉnh giấc thì bên cạnh là vị thủ trưởng Kim Sơn đang chăm sóc ở bệnh viện quân y dã chiến. Sau này ông mới biết là bị dính loại mìn chống tăng của Phun-rô mới cài đặt hôm trước. Người đồng đội của ông là Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Văn Quang đã anh dũng hy sinh ngay tại trận địa. Khi trở về địa phương, không lúc nào ông nguôi ngoai khát vọng đưa đồng đội trở về quê hương. Và nguyện vọng đó đã được gia đình các liệt sĩ cùng đồng đội cựu chiến binh tại Thái Nguyên chung tay giúp sức đưa các anh về.
Giờ đây những cựu chiến sĩ Trung đoàn Thông tin 136 Bộ đội Thông tin năm xưa cũng đã bước vào tuổi lục tuần, tất cả đã thành ông nội, ông ngoại, nhưng không mấy khi họ vắng trong các buổi gặp mặt. Rời quân ngũ, người tiếp tục công tác, người thì trở lại công việc đồng áng nơi thôn dã, nhưng tình cảm như được nhân lên trong một ngôi nhà lớn là vòng tay đồng đội. Bác Nguyễn Văn Trọng, đại diện Ban liên lạc cho biết: Ban liên lạc hiện còn 67 người sinh hoạt. Mặc dù cuộc sống mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều như anh em trong một nhà. Trong 5 năm trở lại đây (từ 2009), mỗi năm anh em cựu chiến binh Trung đoàn Thông tin 136 vận động xây dựng quỹ được hàng chục triệu đồng, để hỗ trợ các thành viên xóa nhà tạm, nhà dột nát và thăm hỏi gia đình cựu quân nhân dịp lễ, Tết, hoặc ốm đau... Đặc biệt, thông qua Ban liên lạc, đến nay đồng đội là các liệt sĩ đã được đón về quê hương Thái Nguyên, 100% hội viên cựu chiến binh Trung đoàn Thông tin 136 không còn thuộc diện nghèo.