Đôi điều suy nghĩ về một di tích nơi thờ tự Đại tướng của nhân dân

10:40, 24/04/2014

Với việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như các cơ quan chuyên môn của tỉnh và T.P Thái Nguyên quyết định và nhất trí cao về việc đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân xét ở các khía cạnh: Lịch sử, vị thế, giá trị phục vụ. Rồi đây, ở giữa trung tâm của thủ phủ vùng và tỉnh, chúng ta sẽ có một quảng trường to đẹp, tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp lộng lẫy, chẳng những tôn vinh cho vẻ đẹp và ý nghĩa của thành phố, mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống cho muôn đời.

Tôi lại nghĩ về một nơi mà một phần của cuộc đời Đại tướng và gia đình đã gắn bó, đó là ATK Định Hóa. Đây cũng là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng, sự kiện đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - đội quân cách mạng - khi có một hàm cấp chính quy.

 

Trong tay tôi còn lưu giữ được một tài liệu quý, đó là cuốn nhật ký của ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ kháng chiến. Ông là Bộ trưởng nhưng viết nhật ký đều đặn suốt từ ngày 19-12-1946 cho đến hết năm 1952, hầu hết đều viết ở ATK. Trong cuốn hồi ký viết:

 

“28.5.48 - ATK:
Hôm nay cũng là ngày lịch sử vì là ngày làm lễ thụ phong chức Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Đáng lẽ lễ cử hành sáng hôm nay nhưng mưa to quá, suối đầy nước lội qua không được. Vả lại H.Đ.C.P (Hội đồng Chính phủ - P.V) vẫn chưa hết chương trình, phải để lại buổi chiều.

 

Cả buổi sáng, Hội đồng giải quyết các vấn đề lặt vặt ở các bộ, không có gì quan trọng lắm. 12 giờ trưa xong, trời cũng bắt đầu tạnh mưa. Ăn xong, nghỉ một chốc đến 1 giờ đi đến địa điểm làm lễ thụ phong.

 

Trong một căn nhà dựng bên cạnh suối lớn, dựa một bên núi, cây cối chen phủ kín, ở ngoài trông vào rất khó thấy mà máy bay cũng khó lòng lục lạo. Một phòng trưng bày đặc biệt. Có bàn thờ Tổ quốc, chung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công…”. Sự trưng bày rất đơn giản mà trang nghiêm.

 

Đến giờ làm lễ, Hồ Chủ tịch và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội lên đứng hai bên bàn thờ, toàn thể nhân viên Chánh phủ đứng sắp hàng trước bàn thờ. Hồ Chủ tịch tay cầm Sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt mà không nói được tiếng gì. Một phút vô cùng cảm động, có lẽ trong chúng mình, tuy không ai nhìn thấy ai, nhưng mỗi người đều phải rớm nước mắt. Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”. Võ Nguyên Giáp nhận Sắc lệnh. Cụ Trưởng ban Thường trực nhân danh Quốc hội tuyên bố mấy lời. Ông Phan Anh thay mặt Chánh phủ nói mấy câu chúc mừng. Cuối cùng, Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhân danh bộ đội tỏ lời mừng của toàn thể bộ đội và nêu cao tinh thần phấn đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau cùng, Võ Nguyên Giáp đứng lên cảm ơn Hồ Chủ tịch, Quốc hội, Chánh phủ và tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước. Tuyên bố xong, Võ Nguyên Giáp lần lượt bắt tay tất cả mọi người. Rồi Hồ Chủ tịch tuyên bố bế mạc cuộc lễ. Sau khi hết lễ, ai nấy ngồi chung quanh Hồ Chủ tịch và nghe Cụ nói sự xúc cảm của Cụ trong buổi lễ. Trước những ngày lễ có tính cách long trọng, Cụ không thể nào không nhớ đến các tiên liệt, các bạn đồng chí từ bao nhiêu năm chiến đấu cho đất nước, chịu bao nỗi gian lao khổ sở, kẻ hy sinh đầu này người hy sinh chỗ nọ, nhờ những sự hy sinh dũng cảm ấy nên mới có ngày nay. Mỗi lần nhớ đến các bạn ấy, là mỗi lần Cụ cầm lòng không đặng, nên phải có những giây phút khó chịu, Cụ xin lỗi anh em. Chúng mình nghe Cụ nhắc lại những ngày nào trong trường chiến đấu trải qua những đoạn gian lao, cũng cảm thấy khó chịu trong người khi nhớ đến các bạn ngày nay đã khuất bóng…”.

Di tích đồi Pụ Đồn, xã Phú Đình (Định Hóa) - nơi phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.

 

Bây giờ, nơi làm Lễ phong tướng (đồi Pụ Đồn, xã Phú Đình, huyện Định Hóa) đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tỉnh đã dựng bia, ghi danh sự kiện quan trọng này cũng như tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh khác. Sau khi Đại tướng mất, một số cơ quan đã kiến nghị và được tỉnh đồng thuận lấy nơi này xây dựng thành Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó lưu ý nguồn lực tài chính để xây dựng là từ nguồn xã hội hóa.

***

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Thái Nguyên là quê hương thứ hai của ông và gia đình ông. Hầu hết trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông và gia đình đều ở và làm việc với Bộ Tổng Tư lệnh tại Bảo Biên - Bảo Linh - Định Hóa…. Mấy người con của Đại tướng đã sinh ra trên mảnh đất này. Nơi đây cũng đã được xây dựng thành Khu di tích lịch sử nơi ở và làm việc của Đại tướng cũng như Bộ Tổng Tư lệnh.

 

Như đã nói ở trên, để có một nơi thờ tự, lưu niệm tương xứng với tầm vóc của cá nhân Đại tướng cũng như lịch sử xác định quân hàm trong Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng là việc hết sức quan trọng. Từ thực tế quan sát, tôi xin đưa ra một vài ý nghĩ như sau:

 

Khu vực Đèo De, xã Phú Đình hiện nay là nơi có quần thể tập trung của các di tích lịch sử quan trọng: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; lán Tỉn Keo - nơi Bộ Chính trị họp ngày 6-12-1953 quyết định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp; đồi Pụ Đồn - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và một số tướng lĩnh khác. Trong việc giáo dục truyền thống, du lịch lịch sử, nếu được chọn địa điểm ở những nơi mà các di tích tập trung như ở Đèo De là hết sức quý giá. Tuy nhiên, Di tích Bảo Biên - Bảo Linh cũng không thể xem nhẹ và nên tập trung để xây dựng Khu lưu niệm đồi Phong Tướng một cách trang trọng, đúng tầm.

 

Mở rộng cách hiểu về đồi Pụ Đồn, chúng ta thấy: Đây không chỉ là nơi phong hàm đầu tiên hay cho riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà còn phải là nơi ghi danh các vị tướng lĩnh, đặc biệt là 13 vị Đại tướng của quân đội cách mạng. Nếu nơi này trở thành “Bảo tàng tướng lĩnh” thì sẽ là nơi đi về của nhiều thế hệ sĩ quan, chiến sĩ trong Quân đội nói riêng và của nhân dân nói chung. Điều này riêng có của Thái Nguyên, mà cụ thể là Di tích Pụ Đồn.

 

Ở một khía cạnh khác, nếu đây là nơi lưu niệm, ghi danh, ghi công, tưởng nhớ tới các vị tướng lĩnh thì việc xây dựng “Bảo tàng tướng lĩnh” sẽ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc xã hội hóa nguồn lực tài chính chắc chắn sẽ thuận lợi và thu hút được tình cảm cũng như trách nhiệm của nhiều người.

 

Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, những vị tướng lĩnh có công lao xuất sắc trong công cuộc bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm, khi qua đời thường được nhân dân lập đền thờ thờ phụng, phong thánh. Chính vì vậy, việc gắn kết giữa các di tích lịch sử nằm trong một quần thể di tích linh thiêng như ở Đèo De sẽ góp phần quan trọng trong đời sống tâm linh, trong hoạt động du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng và trong sự bất diệt của di tích lịch sử…