Làm đường cho xe ôtô kéo pháo

16:33, 18/04/2014

Trong những ngày này, cả nước đang tưng bừng chuẩn bị chào mừng Kỷ niệm 60 nămC hiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tại căn nhà ba gian ở tổ 6, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), chúng tôi may mắn có dịp được trò chuyện cùng Đại tá Hoàng Thành (sinh năm 1931), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Quân khu I và nghe ông kể về chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chuyện về người chiến sĩ Điện Biên
Nhớ ngày ấy những tâm hồn trong sáng
Tuổi thanh xuân chỉ biết sống hết mình
Sáu mươi năm dẫu đã nhiều thay đổi
Vẫn không quên đồng đội thuở trường chinh…

 

Đọc cho chúng tôi những vần thơ tự sáng tác, mắt ông như nhòa lệ khi nhớ về những kỷ niệm “vào sinh ra tử” cùng đồng đội trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm xưa. Giọng xúc động, ông kể: Đầu năm 1954, Sau khi Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và chuẩn bị lực lượng lại từ đầu, nhiệm vụ tiếp theo mà Đại đội 39 (thuộc Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312) của ông được giao là làm đường cho xe ôtô kéo pháo vào trận địa.

 

Ông vẫn còn nhớ như in không khí, quyết tâm của các chiến sĩ năm đó: Khi ấy là dịp Tết Nguyên đán. Cấp trên có lệnh “mặt trận đang khó khăn nên không cung cấp gì thêm, có gì ăn nấy. Lúc ấy trong kho quân lương nhà bếp chẳng còn nhiều lương thực, chỉ còn 5kg muối là đáng giá nhất. Ban chỉ huy Đại đội đã suy xét, đây là ngày Tết cổ truyền của dân tộc nên không thể bỏ qua, đồng thời cũng muốn động viên tinh thần anh em trước khi bắt tay vào nhiệm vụ mới nên cử mấy anh em đem 3kg muối đi vào bản lân cận đổi lấy thức ăn. Mấy đồng chí đi cả ngày đem về được con chó hơn chục kg, mấy anh cấp dưỡng bèn “chế” thành món xào, món canh đủ một bữa cho bộ đội ăn Tết. Tất cả mọi người đều phấn khởi, vừa ăn vừa chúc nhau “luôn tươi trẻ, sức khỏe dẻo dai, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ!”

 

Những ngày phá đá mở đường là quãng thời gian gian khổ nhưng để lại trong trái tim ông nhiều kỷ niệm khó phai. Đây là nhiệm vụ mới và khó đối với đơn vị của ông bởi đường núi quanh co, lại nhiều vách đá dựng đứng, trong khi bộ đội ta chỉ được trang bị những dụng cụ thô sơ, số lượng lại thiếu thốn vô cùng. Các chiến sĩ của đại đội được phân thành nhóm từ 5-8 người, mỗi nhóm được giao nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể. Vì vậy tinh thần thi đua giữa các nhóm được “thổi bùng” ngay từ những ngày đầu bắt tay vào việc.

 

Ông kể: “Đêm đầu ra quân, nhóm của ông có 7 người, mà số dụng cụ chỉ đủ cho quá nửa quân số, nên ai có dụng cụ thì cuốc đào, ai không có thì khênh cáng chuyển đất, sau mỗi lần giải lao lại luân phiên. Quần quật suốt đêm, mồ hôi quện lẫn với sương rừng Tây Bắc, đến rạng sáng, tay ai cũng phồng rộp, rớm máu, nhưng nhìn đoạn đường mới được hình thành, tự đáy lòng, ai cũng lâng lâng niềm vui và mong chờ ngày chiến thắng”.

 

Càng làm càng dẻo dai, càng đúc kết được kinh nghiệm, trong những đêm đào đất, đục đá, bộ đội ta đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, vừa đảm bảo an toàn, vừa nhanh gọn, năng suất hôm sau cao hơn hôm trước. Ông tự hào nói: “Trong đêm tối, điểm nhìn bị hạn chế, người cầm búa đập vào đầu choòng, xà beng để phá đá rất dễ bị đập chệch, gây tai nạn cho người giữ choòng, xà beng đối diện. Chúng tôi nhớ lại những lần hành quân ban đêm ở các chiến dịch trước, đã dùng vỏ cây mục có lân tinh phát ra ánh sáng giắt lên mũ người đi trước để người đi sau nhìn thấy mà đi. Chúng tôi liền áp dụng ngay cách đó, buộc vào phía dưới đầu choòng, xà beng để người cầm búa nhìn rõ điểm chạm. Sáng kiến này được cấp trên đánh giá cao và phổ biến cho nhiều đơn vị cùng áp dụng”.

 

Đường làm vào càng sâu, núi càng cao, vách núi càng dựng đứng, những ngày đầu đêm làm ngày nghỉ, nhưng đến giai đoạn cuối, bộ đội ta phải làm cả ngày lẫn đêm. Để khích lệ tinh thần các chiến sĩ, những đợt thi đua “nước rút” được phát động, nhờ vậy, con đường mỗi ngày một dài hơn, như “con trăn” khổng lồ đang nhằm thẳng vào “con mồi” Mường Thanh mà trườn tới. Với quyết tâm giành chiến thắng và tinh thần thi đua lao động hăng say, đoạn đường mà đơn vị ông được giao đã hoàn thành trước thời gian quy định.

 

Suốt 42 năm phục vụ trong quân ngũ, ông chưa bao giờ dao động, lùi bước và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Giờ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Thành tếu táo bảo: Xưa đánh nhau với “thằng” Pháp, “thằng” Mỹ gian khổ là vậy mà không hề hấn gì, nay chiến đấu với bệnh tật mà sao thấy đuối sức quá. Tôi chỉ mong còn đủ sức khoẻ để hoàn thành nốt tập Hồi ký “Một thời còn nhớ” của mình để lớp con cháu sau này được biết đến những hy sinh, cống hiến lặng thầm của thế hệ cha anh đi trước cho Tổ quốc Việt Nam.