Người tham gia trận đánh giải phóng thị xã Tam Kỳ

10:05, 18/04/2014

Những ngày tháng Tư lịch sử, tôi may mắn được trò chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Quốc Vinh, hiện ông là Phó Chủ tịch hội Cựu Chiến binh huyện Phú Lương. Ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và là Trung đội trưởng chỉ huy 2 xe tăng 056 và 389, những chiếc xe đã góp công lớn trong trận đánh giải phóng thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, để quân đội ta làm nên chiến thắng 30-4-1975.

Đã ở tuổi 65 nhưng ông Vinh vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn, hằng ngày đi xe máy  trên 10 cây số để đến trụ sở làm việc, hết việc Hội lại quay sang việc của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 574.

 

Sinh ra ở thời bom đạn, tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Vinh rời quê hương xóm Thâm Đông, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương lên đường nhập ngũ. Sau khi được huấn luyện lái xe tăng tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Vinh vào chiến trường phía Nam chiến đấu. Ông Vinh tham gia nhiều chiến dịch, đánh quận lỵ Quế Sơn, Tiên Phước (Quảng Nam). Tháng 3-1973 ông được điều về đoàn xe tăng của Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 574 thuộc Quân khu 5 và tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Nhớ trận đánh vào thị xã Tam Kỳ, ông Vinh hồi tưởng: Thị xã Tam Kỳ nằm dọc theo trục đường số 1, nơi địch tổ chức nhiều cụm, điểm tựa khá kiên cố ở trung tâm. Còn ở ngoại vi, chúng tổ chức các chốt điểm quan trọng để khống chế hướng tấn công của ta. Khi quân ta dồn dập tiến vào thị xã, giàn xe tăng đi trước, phía sau là bộ binh, pháo binh. Đoàn quân đang xông lên thì xe tăng M113 của địch chặn lại, buộc xe tăng của ta phải xông thẳng vào. Lúc đó tôi ngồi trên xe 056, chỉ huy đồng chí Bùi Tiến Hợp lái xe lao thẳng, húc mạnh vào xe M113 của địch, bị chấn động mạnh bọn địch trong xe hoảng hốt ra hàng. Xe 056 tiếp tục hất xe ô tô tải GMC của địch xuống ven đường và đè bẹp thêm 2 xe Jeép của địch, quân ta thừa thế tấn công chiếm đóng thị xã. Giải phóng xong thị xã, cả Trung đoàn tăng rút về vị trí an toàn, để cho bộ binh tiếp quản thị xã, trên đường quay ra, xe tăng 056 còn đè bẹp thêm 2 xe Jeép nữa của địch. Với chiến công này, cuối năm 2012 Nhà nước đã phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Bùi Tiến Hợp. Hiện, Trung đoàn Tăng- Thiết giáp 574 Quân khu 5 đang tiếp tục đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho kíp xe do đồng chí Nguyễn Quốc Vinh chỉ huy.

 

Muốn tôi hiểu thêm về trận đánh, ông Vinh đưa cho tôi xem  cuốn sách lịch sử Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 574 dày trên 300 trang, trong đó có đoạn ghi: “Khí thế tấn công của xe 056 đã làm cho tinh thần địch hoang mang, đội hình thiết giáp địch rối loạn, tan rã. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến đấu của bộ đội tăng, thiết giáp đã dùng xe thiết giáp húc xe địch. Bộ tư lệnh Thiết giáp đã biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm này. Ngay sau trận đánh, đồng chí Bùi Tiến Hợp, lái xe 056 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, đồng chí Nguyễn Quốc Vinh, chỉ huy được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba”.

 

Sau khi đánh xong trận thị xã Tam Kỳ (ngày 24-3-1975), Trung đội xe do ông Vinh chỉ huy lại sáp nhập với Lữ đoàn xe tăng 203 tiếp tục yểm trợ bộ binh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước đà thắng lớn, quân ta tiến công dồn dập vào các trận địa của địch và giải phóng nhanh các địa danh bị chiếm đóng còn lại. “Đặc biệt khi quân đội ta tiến vào Dinh Độc Lập, chiếm giữ toàn bộ Tổng Dinh, đoàn quân của chúng tôi chỉ đến sau vài giờ đồng hồ nhưng cũng được hưởng trọn vẹn giây phút toàn thắng. Bộ đội ta ôm nhau reo hò, trên đường phố cờ hoa tung bay rợp trời, còn quân địch tan tác, một số lẩn trốn, số đông ra đầu hàng” - Ông Vinh kể.

 

Ngay sau ngày chiến thắng lịch sử 30-4-1975, ông Vinh được điều về Trung đoàn 574 Quân khu 5 tiếp tục tham gia nhiều trận đánh khác. Ông tham gia Chiến dịch Campuchia tháng 2-1979; tháng 3-1979 ông tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, sau đó ông về Quân khu 1 công tác đến năm 1993 thì nghỉ hưu.

 

Gần trọn cuộc đời binh nghiệp, chinh chiến ngược xuôi, về địa phương ông Vinh vẫn không chịu ngơi nghỉ. Nhiều năm ông công tác tại Hội Cựu chiến binh xóm Cổng Đồn, xã Cổ Lũng huyện Phú Lương nơi ông đang ở; làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cổ Lũng; từ tháng 7-2012 đến nay, ông làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Lương. Trong thời gian công tác tại địa phương, ông được tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

 

Được chứng kiến thời khắc lịch sử huy hoàng của dân tộc trong ngày 30-4-1975 nhưng khi nhắc tới đồng đội cũ, giọng ông trùng xuống. Ông thương và luôn đau đáu nghĩ về đồng đội đã mất. Vì lẽ đó, mặc dù bận rộn, nhưng năm nào ông cũng vào chiến trường cũ để thắp cho đồng đội nằm xuống nén hương. Ông cho biết đã cùng đồng đội tìm thấy 2 hài cốt liệt sĩ mà trước kia ông tự tay chôn cất, đó là liệt sĩ Trần Văn Huy, huyện Vĩnh Tường, và liệt sĩ Nguyễn Đức Ninh, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Hiện ông và đồng đội vẫn rất trăn trở là 2 liệt sĩ quê ở huyện Đông Anh (Hà Nội) và xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương hiện ông và đồng đội ông đã tìm thấy nhưng gia đình chưa có điều kiện đưa các anh trở về.