Xa anh từ rất lâu mà không có dịp gặp lại. Bây giờ thì anh đã yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng, nhưng hình ảnh người Tiểu đoàn trưởng mà tôi luôn kính trọng vẫn luôn vẹn nguyên trong ký ức. Anh là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Quốc Luật - người đã bắt sống tướng Đờ-cát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Năm 1960, Tiểu đoàn Thông tin (thuộc Quân khu Hữu Ngạn) của chúng tôi đóng quân tại doanh trại của quân Pháp để lại giữa thành phố Nam Định suốt ngày đêm âm vang tiếng máy, tiếng thoi đưa. Hôm ấy, như thường lệ, sau tiếng kẻng của trực ban, các đại đội đã ngồi vào vị trí quy định để sinh hoạt tối. Đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn bước vào, anh trịnh trọng đọc Quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu và giới thiệu Đại úy Tạ Quốc Luật - người đã bắt sống tướng Đờ-cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 - nay được điều về giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thông tin… Cả hội trường vỗ tay hồi lâu không ngớt.
Tới khi anh Tạ Quốc Luật xuất hiện với thân hình chắc nịch, nước da ngăm đen, đeo cặp kính cận dầy cộp, cả hội trường trở lại trật tự nghe anh giới thiệu tóm tắt về mình: Quê anh ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), nơi có tiếng trống năm 1930 của phong trào nông dân nổi lên đòi giảm sưu thuế. Anh sinh ra trong một gia đình trung nông, được cha mẹ cho học đến hết lớp Nhất và ít tiếng Pháp. Khi tuổi vừa 18, anh lên đường vào bộ đội, cùng đơn vị tham gia các chiến dịch.
Theo đề nghị của anh em trong buổi họp hôm ấy, anh Luật đã kể lại ngày chiến đấu cuối cùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và việc anh cùng đồng đội bắt sống tướng Đờ-cát. Anh cho biết: Đánh vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một trận đánh công kiên lớn nhất của Quân đội ta từ trước đến nay, vì vậy quân ta tập trung 4 đại đoàn chủ lực, pháo binh, công binh, kỹ thuật cho chiến dịch. Qua hơn 50 ngày đêm, bộ đội ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, từng bước giành thắng lợi, vòng vây đối với địch ngày càng xiết chặt. Sự gian khổ, hy sinh không làm giảm ý chí quyết tâm cao của bộ đội ta.
Sau nhiều ngày đêm chiến đấu, đến ngày 6-5-1954, quân ta đã đào được hầm dưới điểm cao đồi A1 (là địa điểm quân địch án ngữ đường tiến của quân ta vào cứ điểm Mường Thanh - nơi đặt Sở chỉ huy của tướng Đờ-cát) và 1 tấn thuốc nổ đã được đưa vào đường hầm để đánh sập một phần cao điểm đồi A1. Toàn bộ quân địch ở đây (gồm 400 tên) bị quân ta tiêu diệt và bắt sống. Sau khi làm chủ hoàn toàn cao điểm này, quân ta đã khống chế được phần lớn trung tâm Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch.
Ngày 7-5-1954, Bộ chỉ huy mặt trận của ta nhận định, quân giặc ở Điện Biên Phủ nhiều khả năng đã tan rã và rút chạy, cờ trắng xuất hiện ngày càng nhiều trong các đồn bốt của chúng. Các đơn vị quân ta nhận được lệnh từ Bộ chỉ huy mặt trận: Chớp thời cơ tổng tấn công kể cả ban ngày. Đại đoàn 312 nhận nhiệm vụ tấn công theo hướng chủ yếu của chiến dịch, đánh thẳng từ phía đông vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm của địch. Đại đội của anh Luật (thuộc Đại đoàn 312) nhận trách nhiệm đánh thọc sâu.
Chiều 7-5-1954, từ chiến hào (do bộ đội ta đào để siết chặt vòng vây từng ngày), đơn vị anh xông lên ào ạt, gặp hàng rào bùng nhùng anh em đã nhanh chóng tung chăn chiên lên để vượt rào. Quân địch từ các hầm ngầm bắn ra như vãi đạn. Quân ta thì cứ lớp này ngã xuống lớp sau lại xông lên, cuối cùng đơn vị cũng vượt qua. Theo vết xe tăng của địch, quân ta tiến qua cầu Mường Thanh, áp sát chỉ huy sở của chúng. Trên đường tiến quân, bắt được tên thiếu úy ngụy, một anh cán bộ trung đội của ta quát hỏi hầm của tướng chỉ huy Đờ-cát ở đâu? Tên thiếu úy ngụy chỉ vào một căn hầm có nhiều bao cát đắp bên trên cao như núi.
Theo phương án đã thống nhất từ trước, trung đội đi đầu chia làm hai bộ phận chặn hai cửa hầm, không cho Đờ-cát và đồng bọn chạy thoát. Anh Luật cùng hai chiến sĩ Vinh và Nhỏ xông tới cửa hầm nơi có lá cờ trắng. Hai chiến sĩ giương lê chĩa thẳng vào tên mặc quần áo sạch, trên vai gắn 2 ngôi sao. Anh Luật nói với hắn và những tên đứng bên cạnh bằng tiếng Pháp: "Bỏ súng xuống, giơ tay lên. Các ông thua rồi, hãy đầu hàng đi và điện về Hà Nội ngừng ngay máy bay ném bom xuống Điện Biên Phủ". Hắn run rẩy giơ tay lên cao với bộ mặt xám ngoét, miệng lắp bắp “Xin đừng bắn tôi” - đây chính là tướng Đờ-cát, chỉ huy tập đoàn cứ điểm của địch. Giờ đây, hắn và cả bộ tham mưu của địch phải cúi đầu lặng lẽ bước ra khỏi hầm. Anh Luật báo cáo về Sở chỉ huy Đại đoàn 312: Quân ta đã bắt được tướng Đờ-cát. Cùng lúc đó, một đồng chí cán bộ tác huấn được lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận phóng xe Zíp xuống tận nơi, mang theo ảnh của Đờ-cát để so sánh (sợ địch tráo người). Nhưng, sự thật đã hiển nhiên: Đích thực là tướng Đờ-cát Đờ-tát-xi-nhi đang ngoan ngoãn đi giữa hai hàng lê tuốt trần của quân ta. Lúc này là 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thắng lợi, do lập được nhiều chiến công, đơn vị của anh Luật đã được cấp trên khen thưởng, cá nhân anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất…
Nghe xong câu chuyện anh Luật kể, cả đơn vị tôi vỗ tay hồi lâu chào đón người Tiểu đoàn trưởng mới. Buổi tiếp xúc đầu tiên ấy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về anh. Thời gian sau đó, được những người chỉ huy như anh luôn gần gũi các cán bộ, chiến sĩ trong quá trình công tác, huấn luyện nên năm nào Tiểu đoàn của chúng tôi cũng giành thành tích cao.
Công tác tại đây không lâu, tôi được điều về đơn vị thông tin thuộc Quân khu Việt Bắc, sau đó vào Nam chiến đấu. Cuối năm 1966, trong dịp đi nhận tài liệu thông tin, tình cờ tôi gặp lại anh Luật giữa vùng căn cứ rừng núi Tây Nguyên, được biết anh đã vào chiến trường và giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thông tin của Bộ Tư lệnh B3. Anh vẫn vui vẻ, hồn nhiên như ngày đầu chúng tôi mới được gặp. Tạm biệt anh, tôi về đơn vị. Đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi vẫn chưa có dịp nghe tin và gặp lại anh…
Khi viết những dòng chữ này về anh Tạ Quốc Luật - một người chỉ huy cũ của tôi - nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, may mắn sao tôi được anh Đoàn Công Chức - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Thông tin - cho biết: Sau năm 1975, anh Luật chuyển ra ngoài Bắc công tác để được gần gia đình, là cán bộ cao cấp trong Quân đội. Năm 2005, anh qua đời ở tuổi 75. Hai người con trai của anh đều nối nghiệp cha, hiện là sĩ quan quân đội. Với những công lao, thành tích đã lập được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến năm 2009 anh Luật đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy có muộn, nhưng những đồng đội và cán bộ, chiến sĩ dưới quyền anh như tôi đều rất đỗi vui mừng và tự hào vì có một người chỉ huy mẫu mực, gan dạ như anh, đã cống hiến cả đời mình cho nhân dân, cho Tổ quốc.
Và, bài viết này xin được xem như một nén nhang lòng kính viếng hương hồn anh.