Từ ATK Thái Nguyên đến Chiến thắng lịch sử

15:14, 26/04/2014

Nếu như chiến dịch Điện Biên Phủ là chương kết của một bản hùng ca chiến thắng trong lịch sử dân tộc, thì ATK Định Hóa - Thái Nguyên chính là khúc khởi đầu của bản hùng ca đó. Với vai trò là Thủ đô kháng chiến trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, mảnh đất ATK Định Hóa - Thái Nguyên đã ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng, là nơi Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam từng ở và làm việc. Cũng chính tại đây, ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã họp, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Kỳ II: Khúc khởi đầu bản hùng ca vĩ đại

 

Giờ đây, ATK Định Hóa - trung tâm Thủ đô kháng chiến năm xưa - đã đi vào lịch sử như một huyền thoại khi được Chính phủ xác định là Quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Từ mảnh đất Thủ đô gió ngàn Việt Bắc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã dần trưởng thành với việc ra đời của những đơn vị chủ lực như: Đại đoàn 308 Quân tiên phong, Trung đoàn 174, Trung đoàn Sông Lô, Trung đoàn Pháo phòng không 367… Các quyết định mở những chiến dịch lớn kể từ sau Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) cho đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ cũng xuất phát từ đây.

 

Tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên cũng đã diễn ra một sự kiện trọng đại của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là ngày 28-5-1948, tại đồi Pụ Đồn (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ 'Nguyên Giáp và phong quân hàm cho một số tướng lĩnh khác của Quân đội ta. Kể từ thời mốc lịch sử này, trên cương vị Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội ta - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã cùng Quân đội nhân dân Việt Nam làm tròn sứ mệnh mà Bác Hồ và đất nước giao phó, viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

 

Có thể khẳng định, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ gắn liền với những chiến công hiển hách khác của Quân đội ta, trong đó luôn mang hình bóng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chỉ huy tối cao của mặt trận Điện Biên Phủ (khi đó Đại tướng mới 43 tuổi). Và với Đại tướng, Thái Nguyên như quê hương thứ hai của ông. Nơi đây, nếp nhà vị Tổng Chỉ huy Quân đội ta từng ở cũng đơn sơ, giản dị như¬ bao nếp nhà của người Tày, người Nùng. Xóm Đồng Chùa, xã Đồng Thịnh; xóm Khẩu Hấu, xã Điềm Mặc; xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh (Định Hóa) còn in dấu những ngày vị Tướng Tư lệnh làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau ngày hòa bình lập lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần trở lại thăm ATK Định Hóa - Thái Nguyên. Những lần về thăm, Đại tướng luôn mong muốn: Cùng với truyền thống lịch sử, Thái Nguyên sẽ phát huy những thế mạnh của vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là ở vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để miền núi tiến kịp miền xuôi...

 

Đức độ, tài năng, khiêm tốn, giản dị, dân chủ và bao dung, thanh cao và quyết đoán - đó là nhân cách Võ Nguyên Giáp, một vị Tướng tài đức vẹn toàn. Và ngày 4-10-2013, trái tim nhân hậu của một con người vĩ đại đã ngừng đập. Từ Thủ đô Hà Nội đến Vũng Chùa - Đảo Yến (tỉnh Quảng Bình), dòng người kéo dài như bất tận tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Càng gần đến Ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5), nỗi nhớ và niềm tiếc thương đối với vị Đại tướng chỉ huy tối cao của chiến dịch - một con ngư¬ời Việt Nam đã thuộc về toàn thế giới - lại càng trào dâng trong mỗi chúng ta. Và, trong mạch cảm xúc ấy, Báo Thái Nguyên đã thực hiện và trình chiếu bộ phim phóng sự tài liệu “Khúc khởi đầu bản hùng ca vĩ đại” trên báo điện tử, xin được xem như một nén nhang lòng kính viếng hương hồn người Đại tướng của nhân dân.

 

60 năm đã trôi qua, vùng Tây Bắc cùng cả nước đang khẩn trương thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Dẫu đã có nhiều đổi thay trong quá trình phát triển, đẩy mạnh đô thị hóa, nhưng vẫn còn đó những cánh rừng hoa ban nở trắng như vẫy chào đoàn quân chiến thắng năm xưa. Đi dọc trên tuyến đường nối liền các tỉnh Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu, mỗi chúng tôi đều như cảm nhận được đâu đó vẫn còn vang vọng những bước chân hành quân hùng dũng của lực lượng bộ đội, dân công trong chiến dịch Điện Biên cách nay tròn 6 thập kỷ. Âm điệu của những câu hò kéo pháo năm xưa như hòa trong tiếng gió, vang vọng khắp núi rừng Tây Bắc điệp trùng, tạo thành âm hưởng của bản Anh hùng ca bất tử: “Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”…

 

Được xem là tâm điểm phát triển của cả vùng Tây Bắc, những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã có những đổi thay trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Điện Biên hôm nay đã bảo đảm cân đối được lương thực ở mức trên 500kg/người/năm và có gạo đặc sản trở thành hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao; mức tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt trên 9%/năm; 100% các xã có trạm y tế; 100% trẻ em đến tuổi được đến trường; toàn bộ các huyện đều có đường trải nhựa đến trung tâm. Trong 3 năm gần đây, tỉnh đã huy động các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ được khoảng 2 tỷ đồng/năm để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong những năm tới, tỉnh quyết tâm giành nhiều thành tích cao hơn trong phát triển kinh tế - xã hội...

 

Đối với Thái Nguyên - vùng đất Thủ đô kháng chiến năm xưa - giờ đã có những bước tiến vững chắc trong quá trình phát triển trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào trước năm 2020 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Năm 2013, tỉnh ta đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 15%; thu ngân sách đạt trên 4.200 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người là hơn 35 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 9%; là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - với mức gần 10 USD. Năm 2014, Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng tới 55% so với năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD…

 

60 năm trôi qua, dòng chảy thời gian ít nhiều đã cuốn theo dấu vết chiến tranh, nhưng không thể xóa mờ niềm tự hào của một dân tộc về những chiến công hiển hách trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản hùng ca bất tử và chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta. Và, Thái Nguyên - Việt Bắc cùng với Điện Biên - Tây Bắc như một nhịp cầu lịch sử, mang âm hưởng hào hùng và mãnh liệt của thời đại Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.