Về nơi thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II

16:52, 19/04/2014

Tự hào là nơi thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II (một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng), xã Tràng Xá (Võ Nhai) hôm nay đang từng bước đổi thay, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Mảnh đất Anh hùng

 

Lật lại những trang lịch sử, năm 1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề. Chúng điên cuồng khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng khiến cho Cứu Quốc quân I phải rút khỏi căn cứ để bảo toàn lực lượng, nhiều cơ sở đảng bị phá vỡ, phong trào cách mạng gặp khó khăn. Lúc đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, cùng Ban lãnh đạo cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai chủ trương khôi phục lại Đội Cứu Quốc quân I để duy trì tiếng súng vũ trang từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, cổ vũ phong trào cách mạng.

 

Ngay giữa vòng vây uy hiếp của hàng nghìn quân địch, ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá (Võ Nhai), đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II với 36 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 22 chiến sĩ là con em xã Tràng Xá. Sau một thời gian, Cứu Quốc quân II phát triển lực lượng lên 46 chiến sĩ, được biên chế thành 5 tiểu đội, với trang bị vũ khí còn rất thô sơ, điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn. Nhưng với tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình, ngay từ ngày đầu thành lập, các chiến sĩ của Trung đội Cứu Quốc quân II đã dũng cảm xả thân quên mình bước vào cuộc chiến đấu với quân thù, lập nhiều chiến công hiển hách: đó là trận đánh ở Đèo Bắp - tiêu diệt tên Đức Phú phản động gian ác; trận đánh ở Mỏ Nùng Lâu Hạ; trận đánh ở Suối Bùn xã Tràng Xá, trận ở Lân Han, trận ở Cây Đa La Hóa… Ngày 21-3-1945, Cứu Quốc quân II cùng với đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện đánh chiếm châu lỵ La Hiên, thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên ở Thái Nguyên.

 

Diện mạo mới hôm nay…

 

Thời gian qua đi, những chiến sĩ của Trung đội Cứu Quốc quân năm xưa đã trở thành người thiên cổ nhưng những dấu tích về một thời thời oanh liệt nay vẫn còn đó. Khu rừng Khuôn mánh vẫn xanh ngắt như ngày nào. Đứng trước bia đá hoa cương khắc tên tuổi các chiến sĩ Cứu Quốc quân II, chúng tôi có cảm giác như những sự kiện trọng đại của lịch sử như vừa mới diễn ra hôm qua.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Ưa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tràng Xá tự hào cho biết: “Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, những năm qua, nhân dân trong xã luôn cần cù, chịu khó vượt qua mọi khó khăn vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những năm gần đây, xã đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, diện mạo quê hương đang ngày càng đổi mới…”.

 

Xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương nên những năm qua, Đảng ủy xã đã chỉ đạo nhân dân tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Trong sản xuất nông nghiệp, nhân dân trong xã tích cực đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao vào gieo trồng như: chè cành, sắn cao sản, ngô lai, lúa lai, đỗ tương… những mô hình nuôi lợn thịt, lợn nái ngoại, gà lai mía cũng hình thành ngày càng nhiều. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, bà con nhân dân còn tích cực tham gia phát triển kinh tế rừng, mỗi năm xã trồng mới trên 100 ha keo, mỡ, bồ đề... Toàn xã hiện có trên 1.800 ha rừng sản xuất, trong đó hơn 500 ha rừng đã đến tuổi khai thác. Giá trị từ kinh tế rừng mang lại trong những năm gần đây đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

 

Nhờ những giải pháp đúng đắn trong phát triển kinh tế nên tổng sản lượng lương thực của xã đã tăng từ 10.000 tấn năm 2010 lên 12.000 tấn năm 2013; bình quân giá trị canh tác trên 1ha đất nông nghiệp tăng từ 28 triệu đồng/năm năm 2010 lên 40 triệu đồng/năm năm 2013; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đều đạt trên 13%. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, xã không còn hộ đói, số hộ khá, giàu tăng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 56% năm 2011 xuống còn 39,5 năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 9 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2010…

 

Đến xã Tràng Xá hôm nay, các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang; đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp. Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, xã đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi trực tiếp phục vụ sản xuất theo quy hoạch. Hiện 20/20 xóm trong xã đều đã có đường đường giao thông đến tận xóm. Toàn bộ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng đều do ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp. Cùng với sự lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng bộ xã còn thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hằng năm, 100% chi bộ đều đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh, chính quyền và các đoàn thể đều đạt  tiên tiến.