Chiến dịch Điện Biên Phủ khởi phát từ ngày 6-12-1953. Ngày đó, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa - Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã họp, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp đó, ngày 1-1-1954, cũng tại Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Ngày 5-1-1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh lên Khuôn Tát tạm biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh để lên đường ra mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao toàn quyền cho Tổng Tư lệnh: "Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền!". Người nhắc nhở: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh".
Tháng 2-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Khuôn Tát sang Khau Lấu, bên bờ sông Phó Đáy (Tuyên Quang), ở trên một căn lán nhỏ bên sườn núi, trước cửa hang Bòng, để chỉ đạo sát sao Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hang Bòng thuộc vùng Kim Quan Thượng, cách nơi đóng trụ sở Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Trung ương Đảng chừng 1km, chếch về hướng Đông. Căn lán nhỏ của Bác dựng trước cửa hang đơn sơ, giản dị và nên thơ. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và chuyển đi 4 lần.
Hình ảnh lán hang Bòng "xuất hiện" lần đầu trong bài thơ “Sáng tháng Năm” của Nhà thơ Tố Hữu: "Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ/ Con bồ câu trắng ngây thơ/ Nó đi tìm thóc bên bồ công văn". Tháng 3-1954, Đạo diễn điện ảnh Rô-man Các-men sang Việt Nam, đã tới lán hang Bòng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đạo diễn kể lại: "Chúng tôi đi dọc theo một sườn núi dốc đứng, bên dưới là một con suối lớn réo ầm vang. Ở sâu hơn nữa là những lùm tre, khóm dừa (cọ) và chuối dại tỏa ngát hương và ngay gần đó là một ngôi nhà tranh nhỏ. Từ trên nhà, một người bước xuống đón chúng tôi. Người mặc quần áo nông dân, áo cánh vải mỏng nhuộm màu nâu non, gài cúc trắng, nét mặt thanh tú, hiền từ và ân cần, vui vẻ. Ngôi nhà tre của đồng chí Chủ tịch không khác gì hàng trăm nghìn ngôi nhà tranh khác của người nông dân Việt Nam. Có thể gọi cho đúng hơn đó là chỗ ở ngoài trời: Nền đất, mái lợp lá dừa, không có vách, chung quanh là rừng cây, là chim hót, là lá chuối gió đưa sột soạt, là thân tre kẽo kẹt." (trích bài báo “Đồng chí Hồ Chí Minh” - Báo Văn học - Hội Nhà văn Liên Xô, số 81, ngày 9-7-1955). Đoàn làm phim của đạo diễn Rô-man Các-men đã ở Khau Lấu một thời gian dài, dựng cảnh, quay phim, thu thập tư liệu cho bộ phim tài liệu về Việt Nam "quý hơn vàng" mà sau này Đài Truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền.
Cũng tại lán hang Bòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp Nhà báo Úc Uyn-phơ-rét Bơớc-sét. Nhà báo này đã ghi lại trong cuốn “Phía Bắc vĩ tuyến 17” về cuộc gặp đó: "Tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa rừng Việt Bắc vào trung tuần tháng 3-1954. Cụ dùng tiếng Pháp, tiếng Anh rất sõi nói chuyện với chúng tôi và cả mấy tiếng Ý với bạn tôi, chúng tôi thấy rất dễ nói chuyện. Chúng tôi hỏi Hồ Chủ tịch về tình hình Điện Biên Phủ. Lật ngửa chiếc mũ xuống bàn tre, Cụ vừa đưa tay theo vành mũ vừa nói: "Đây là núi non, nơi bố trí của quân đội chúng tôi". Cụ chỉ xuống đáy mũ, nói tiếp: "Đây là thung lũng Điện Biên Phủ, nơi quân Pháp đóng. Chiến dịch này có thể kéo dài nhưng họ không thể ra khỏi chỗ đó được".
"Họ không thể ra khỏi chỗ đó được". Đó là niềm tin vào chiến thắng với dự cảm, dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết cục của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh rất đúng, rất rõ ràng: Sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân dân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch. Nhà thơ Tố Hữu, trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” đã "cho thấy" kết cục của quân Pháp "không thể ra khỏi chỗ đó được": "Quân giặc điên/ Chúng bay chui xuống đất/ Chúng bay chạy đằng trời?/ Trời không của chúng bay/ Đạn ta rào lưới sắt/ Đất không của chúng bay/ Đai thép ta thắt chặt".
Những ngày chuẩn bị kết liễu số phận của quân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ thật căng thẳng, tiềm ẩn những tai họa khủng khiếp. Ngày 2-5-1954, tướng Na-va, tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và tướng Cô-nhi, tổng chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc Việt Nam đã có một cuộc "khẩu chiến" nảy lửa tại Hà Nội về kế hoạch tháo chạy khỏi Điện Biên Phủ trong kế hoạch mang mật danh “Chim Biển” bằng cách ném bom hủy diệt (kể cả dùng bom nguyên tử). Cô-nhi vằn mắt quát vào mặt Na-va: "Ngài không phải là tướng 4 sao thì tôi đã tát vào mặt ngài rồi".
Về việc quân đội Pháp và chính quyền Mỹ định dùng bom nguyên tử để "kết thúc" Điện Biên Phủ, nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng đã có bài viết in trên báo An ninh Thế giới số 1.360 (ngày 19-4-2014) với tiêu đề “Năm 1954, người Mỹ đã định ném 3 quả bom nguyên tử xuống... Điện Biên Phủ như thế nào?”. Chính bài báo đó và qua một số gợi ý của bạn bè mà tôi đã viết bài báo này, dù hơi muộn. Về vấn đề người Mỹ định ném bom nguyên tử xuống Việt Nam là có thật và "sự thật" đó đã được lưu giữ một cách gián tiếp tại ATK Việt Bắc bằng những căn hầm đào sâu vào trong lòng núi để tránh bom (nguyên tử). Tôi đã đến "khảo sát" tại 2 căn hầm đào xuyên núi tại Khau Lấu vào năm 2012 cùng anh Ngô Quân Lập, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tân Trào (Tuyên Quang). Căn hầm thứ nhất ở cách Văn phòng Chính phủ tại Khau Lấu (dưới chân núi hang Bòng) vài trăm mét. Hầm cao 4m, rộng 5m, sâu gần 100m, cửa hầm rộng, ánh sáng trời hắt vào nhìn rõ vào bên trong một đoạn khoảng 5m, càng đi vào càng tối, đến cuối đường hầm thì tối hẳn, soi đèn pin thì thấy còn một đống đất chưa kịp dọn ra ngoài. Anh Lập cho biết: "Đang đào dở thì chiến thắng Điện Biên Phủ nên thôi". Chính trong căn hầm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp của Chính phủ. Khu vực này là một nơi rất đẹp. Ngước nhìn lên vách cửa hầm, nơi đã từng treo "ngọn cờ đỏ thắm" giữa một buổi "nắng trưa rực rỡ sao vàng" (thơ Tố Hữu) mà ngẫm về những chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc, chúng tôi lại cảm thấy nuối tiếc vì các nhà làm công tác bảo tàng chưa thật sự để tâm giới thiệu "những câu chuyện lịch sử" tại đây. Căn hầm thứ hai nằm cách căn hầm của Văn phòng Chính phủ khoảng 5km, đi ngược bờ sông Phó Đáy. Đây là căn hầm dành cho các chuyên gia Trung Quốc, cũng đang được đào dở thì chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, nay đã trở thành phế tích, cỏ mọc um tùm lấp cửa hầm. Phải khá vất vả "chặt cây, mở lối" chúng tôi mới lên đến nơi để chụp vài kiểu ảnh về căn hầm bằng điện thoại di động…
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi viết đôi điều về An toàn khu Việt Bắc năm xưa với mong muốn: Những di tích lịch sử như lán hang Bòng, hầm tránh bom ở Khau Lấu... cần được giới thiệu đầy đủ, sống động, cặn kẽ hơn để du khách khi lên thăm An toàn khu có thêm những nhận thức chân thật về lịch sử. Và cũng qua đây, việc liên kết tuor, tuyến du lịch giữa các tỉnh vùng Việt Bắc trở nên thực tế và hiệu quả hơn, chứ không chỉ là những luận bàn trong các hội thảo.