Bản đồ của nhà địa lý kiệt xuất Phillippe Vandermaelen xuất bản năm 1827 đã chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Bộ Thông tin & Truyền thông vừa tiếp nhận bộ bản đồ này ngày hôm nay (13/5) tại Hà Nội.
Năm 1827 Phillippe Vandermaelen đã xuất bản bộ Atlas Thế giới gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), cùng với nghiên cứu sinh của mình tại Pháp và Cục thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT đã trực tiếp sưu tầm bộ bản đồ Atlas thế giới.
Theo GS Ngọc, Bộ Atlas được hoàn thành hoàn chỉnh trên cơ sở của những tấm bản đồ tốt nhất thế giới lúc đó cùng những thông tin từ quan sát thiên văn hay những chuyến du hành ở nhiều nơi trên trái đất theo tỷ lệ 1:1641836 kích thước 53,5x37cm, có thể được ghép lại thành quả địa cầu đường kính là 7.755m.
Quần đảo Hoàng Sa (Paracels) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111.
“Đây thực sự là cột mốc lớn đánh dấu giai đoạn phát triển vượt trội của công nghệ vẽ và in bản đồ hiện đại ở đầu thế kỷ XIX”, GS Ngọc nhấn mạnh.
Trong tấm bản đồ, Việt Nam khi đó được giới thiệu thông qua 4 tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110. Ông Ngọc cho biết Partie de la Cochine là tờ số 106, là tấm vẽ đường bờ biển miền Trung Việt Nam từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài khơi, quần đảo Hoàng Sa (Paracels) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Bên cạnh khu vực được xác định là Paracels, bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’An-nam).
GS Ngọc nhấn mạnh, tiếp liền Partie de la Cochinchine ở phía trên là tấm số 98 mang tên Partie de la Chine trong khoảng vĩ độ 18-21 và kinh độ 106-114 vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho biết biên giới cực nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18. Tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây không hề vẽ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18.
Tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây không hề vẽ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18.
Ông Ngọc cho rằng điều này không chỉ phản ánh tính khách quan, chuẩn xác của bộ Atlas, mà còn góp phần làm tăng thêm giá trị minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.
Ngoài ra, trong một số bản đồ phương Tây phát hành từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XVII và XVIII đều thể hiện rõ ràng hơn vị trí, đặc điểm địa lý và mối quan hệ chủ quyền của Hoàng Sa với khu vực Đàng Trong, tuy hầu hết các bản đồ này vẫn xếp Hoàng Sa vào chung khu vực Đông Ấn.
Bộ Atlas Thế giới của Phillippe Vandermaelen được coi là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo mà còn là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.
Ông Ngọc chia sẻ, nhờ có đồng nghiệp ở Paris mà ông cùng Bộ TT&TT đã có được những thông tin đầu tiên về bộ Atlas. Được sự tài trợ của ông Ngô Chí Dũng, TGD Công ty Dược phẩm ECO, ông Ngọc đã cùng với các cộng sự thực hiện chuyến khảo sát 5 bộ Atlas ở các thư viện Quốc gia Pháp, Bỉ, thư viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, thư viện trường Đại học Y Paris.
Những người tâm huyết tham gia cuộc khảo sát này đã thảo luận, và thống nhất đánh giá với các chuyên gia Địa lý học, Bản đồ học, Sử học, Luật học, Thư viện học ở Paris, Brussels để có cơ sở xác định bộ Atlas Thế giới ở Hiệu sách cổ Sanderus, số 32, Nederkouter, thành phố Gent, nước Bỉ là bộ gốc xuất bản tại Brussels năm 1827.
Ông Ngọc kể lại, sau khi có được những thông tin quan trọng này, ông đã quyết định mua trọn bộ 6 tập Atlas Thế giới để làm đầy đặn thêm cơ sở lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.