Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có thời lượng dài nhất trong Hiến pháp năm 2013 (34 điều) và chỉ nằm sau Chương I quy định về chế độ chính trị (trong Hiến pháp năm 1992, nội dung quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở chương V).
Như vậy, có thể thấy rõ sự thay đổi lớn lao của Hiến pháp năm 2013 là khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong bộ luật gốc của nước ta. Thể hiện sự xuyên suốt, nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công nhâ, như: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp, pháp luật”. Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức, tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong văn bản pháp lý tối cao của đất nước là Hiến pháp (Hiến pháp năm 1992 quy định những quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân). Khẳng định công dân là chủ thể của đất nước và có nhiều quyền được Hiến pháp, pháp luật tôn trọng, bảo vệ nhưng Hiến pháp năm 2013 cũng đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền trên nguyên tắc phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Nhưng Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định việc hạn chế quyền con người, quyền công dân không thể tùy tiện mà phải theo quy định của pháp luật. Đồng thời sắp xếp lại các điều khoản, theo nhóm quyền con người, quyền công dân để đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi. Đặc biệt, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã có nhiều thành tựu quan trong trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế nên Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong đảm bảo quyền con người, quyền công dân – đó là quyền sống (Điều 19); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể và hiến xác theo quy định của luật, mọi người đều được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Điều 20); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 21); công dân có nơi ở hợp pháp; mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 22); khẳng định quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân là quyền của tất cả mọi người. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 30); quyền được đảm bảo an sinh xã hội (Điều 34); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43)…Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trước công dân của mình: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.
Song song với quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định rõ hơn về nghĩa vụ cơ bản của công dân theo hướng: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả quyền con người, quyền công dân theo quy định Hiến pháp năm 2013, từ nay đến năm 2016, Quốc hội sẽ thực hiện sửa đổi, ban hành 15 bộ luật có liên quan, như: Luật Hình sự (sửa đổi); Luật Dân sự (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Về hội; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Biểu tình; Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; Luật Chứng thực; Luật Hộ tịch; Luật Truy nã tội phạm; Luật An toàn thông tin; Luật Căn cước công dân và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.