Từ những ngày đầu nhập ngũ, cùng huấn luyện và tham gia hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn, dìu nhau qua từng bước gian nan, chống chọi với thần chết, đến nay đã bốn mươi mấy năm trôi qua nhưng tình bạn, tình đồng chí giữa họ vẫn thân thiết như ngày nào.
Bao nhiêu năm qua, người dân tổ dân phố số 3, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) luôn thấy hai người bạn già là Thượng tá về hưu Nguyễn Xuân Khoát và nguyên Đại úy Nông Trường Xuân quan tâm, gắn bó với nhau như anh em một nhà. Tình cảm ấy đã khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi không chỉ đơn thuần là tình đồng chí hay hàng xóm làng giềng, mà xuất phát từ những ngày cùng “vào sinh ra tử” ở Trường Sơn.
Ông Khoát sinh năm 1951, ở xã Tân Thành (Phú Bình). Tháng 8-1969, khi mới bước vào lớp 10, ông đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc cùng đợt với ông Nông Trường Xuân (sinh năm 1950, ở xã Bình Thành, huyện Định Hoá). Sau nửa năm huấn luyện, đến tháng 4-1970, các ông theo đơn vị vào mặt trận Tây Nguyên. Từ đây, đơn vị tiếp tục được lệnh hành quân đến địa phận 2 tỉnh A tô pơ (Lào) và Stung treng (Campuchia - giáp với Kom Tum), làm lính công binh trên tuyến đường Tây Trường Sơn.
Ông Khoát kể: Để đến được nơi tập kết, đơn vị phải đi 20 ngày đêm. Núi cao vực sâu, đi đến đâu phát cây mở đường đến đó. Dọc đường không có trạm giao liên nên mỗi người phải mang đủ lương thực đủ cho suốt chặng đường cùng súng đạn, quân tư trang, gian nan nhất của cuộc hành quân này là sự hành hạ của những cơn sốt rét rừng. Trong đơn vị, rất nhiều người đã phải ngã gục, đồng đội phải dìu, khiêng cáng. Do vậy, người khoẻ không những phải mang hộ quân tư trang cho người yếu mà còn dìu họ đi.
Còn ông Nông Trường Xuân xúc động: Tôi bị sốt rét hành hạ khiến sức khoẻ giảm sút nhanh chóng, không còn sức lực. Lúc đó, anh Khoát đã dìu tôi đi từng bước. Khi còn cách nơi tập kết khoảng 3 ngày đường thì tôi không thể lê nổi bước chân cũng không ăn uống được gì. Lúc này, chúng tôi mới bàn nhau để tôi ở lại còn anh Khoát về nơi tập kết trước gọi thêm đồng đội và quân y tới cứu, nếu không cả 2 người sẽ cùng chết.
- Tôi đưa anh Xuân vào một khu rừng sâu, mắc võng lên cây cao hơn 3m cho anh nằm để tránh hổ, báo cũng như biệt kích của địch, để lại cơm nước, dặn dò anh cố gắng vượt qua, tôi sẽ sớm quay lại đón. Xong xuôi đâu đấy, tôi đi một mạch đến nơi tập kết mong gọi được đồng đội, quân y đến cứu anh Xuân sớm giờ nào hay giờ đấy. Thật may mắn, kỳ lạ và vui mừng thay, 3 ngày sau quay lại thì anh ấy vẫn còn sống. Ông Khoát nói.
- Trong những ngày nằm giữa rừng sâu, sức khỏe tôi quá yếu, đến mức không ăn được gì, tôi đã từng nghĩ mình sẽ khó qua khỏi. Đường xa xôi và quá gian khó nhưng không ngờ, anh Khoát cùng mọi người lại có thể quay lại cứu tôi nhanh đến thế. Tôi hiểu rằng, vì quá lo lắng cho sự sống chết của tôi mà anh ấy đã đi không ngừng, mệt cũng không dám nghỉ. Ông Xuân xúc động kể lại.
Cuộc hành quân gian nan, vất vả là thế nhưng so với những ngày ở đường Trường Sơn vẫn chưa là gì. Tại đây, 2 người được biên chế vào Tiểu đoàn 95, Binh trạm 50, Sư đoàn 470 (Đoàn 559), nhiệm vụ của đơn vị là mở đường, đảm bảo thông suốt trên chiều dài trên 100km đường bộ và các bến phà trên dòng Sê Kông. Ngoài ra, đơn vị còn phải rà phá bom trên cả đường sông lẫn đường núi. Bởi vậy, bom đạn, sự hy sinh là điều mà những người lính phải thường xuyên đối mặt.
Để thực hiện nhiệm vụ, người lính công binh phải leo lên “đài quan sát” (thực chất là leo lên những cây cao hàng chục mét), theo dõi, báo động cho cả đơn vị khi có máy bay địch đến. Quan trọng hơn, người quan sát phải đếm được số bom rơi xuống mà không nổ, nhất là bom từ trường để đơn vị tổ chức rà phá. Nếu không tàu thuyền, xe cộ của ta chạy qua sẽ gặp nguy hiểm.
Ông Xuân nói: Đặc điểm của bom từ trường là hễ gặp kim loại sẽ phát nổ. Để rà phá, chúng tôi phải chặt tre làm mảng, lấy sắt buộc lơ lửng bên dưới sau đó kéo đi kéo lại “dử” cho bom nổ, có ngày làm tới 4, 5 chiếc mảng mà vẫn chưa phá hết thì chúng đã quay lại ném bom. Chúng tôi lại rà phá, cứ thế. Đường đã an toàn nhưng nhiều khi chúng tôi còn ngồi trên ca bin ô tô hoặc mũi thuyền để tạo niềm tin cho bộ đội ta mỗi khi đi qua binh trạm do đơn vị tôi phụ trách.
Còn ông Khoát bồi hồi nhớ lại: Tháng 5-1973, khi tôi đang làm nhiệm vụ ở trên “đài quan sát” thì có tiếng máy bay địch. Lúc đó, dưới dòng sông, bộ đội ta đang lái ca nô đi mua nhu yếu phẩm nhưng vì vượt thác nên không trú ẩn kịp. Khi ca nô vừa táp vào đến gần bờ thì bị bom đánh trúng. Tôi lập tức leo xuống cùng đồng chí Phạm Công Cẩn (người Lâm Thao, Phú Thọ) bơi qua sông tìm cách cứu họ mặc cho máy bay vẫn quần đảo trên đầu. Khi đến nơi, chúng tôi thấy có 4 người nằm ở 4 vị trí khác nhau ai nấy đều bị thương, máu me đầy mình. Một chiến sĩ khác đã bị bom đánh mất xác. Mãi về sau, đồng đội vớt được thi thể anh thì đầu và 1 chân đã lìa khỏi cơ thể. Máy bay rút, tôi còn lặn tìm được đầy đủ nhu yếu phẩm bị rơi sông cùng với động cơ chiếc ca nô và bàn giao lại cho đơn vị. Sau lần đó, tôi được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, đi báo cáo điển hình toàn Sư đoàn và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đồng thời đến tháng 7 năm đó, tôi vinh dự được kết nạp Đảng, sau đó ra Bắc học Trường Sĩ quan Công binh.
Cũng giống như người đồng đội, ân nhân của mình, đến năm 1974, ông Xuân cũng ra học tại Trường Sĩ quan Công binh. Thời gian này, hai người lại có dịp gặp gỡ và giúp đỡ nhau trong học tập. Sau khóa học, tuy ông Khoát về công tác tại Tỉnh đội Bắc Thái, còn ông Xuân nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn Công binh 51 (Quân khu 3, Hải Dương) nhưng một lần nữa hai ông lại cùng lên Lạng Sơn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau này, cả hai người lần lượt chuyển về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái thay nhau làm Chủ nhiệm Công binh, trực tiếp tham gia rà phá bom tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh cho đến khi về nghỉ hưu.
Sự gắn bó giữa hai người cựu chiến binh Trường Sơn như cái duyên tiền định. Ngay cả khi hoàn thành tốt nhiệm vụ với Tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường, hai ông lại được sống cùng một tổ dân phố. Sau này ông Khoát làm tổ trưởng rồi Bí thư Chi bộ; còn ông Xuân trong vai trò tổ phó, Phó ban Công tác Mặt trận trong nhiều năm liền. Điều đáng trân trọng là dù môi trường, hoàn cảnh nào, 2 ông đều động viên giúp đỡ nhau cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và với họ, kỷ niệm về Trường Sơn vẫn luôn là những ký ức đẹp nhất, thiêng liêng nhất trong cuộc đời.