Những ngày tháng 5, khi cả nước đang tưng bừng Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5), tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được gặp người Tiểu đội trưởng tham gia trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ông là Nguyễn Văn Sực, năm nay đã 90 tuổi, đang cư trú tại tổ 4, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ).
Bước vào căn nhà mái ngói 3 gian do chính tay ông xây dựng cách đây hơn 40 năm, tôi được ông mời uống nước chè xanh ông hái và ủ từ vườn nhà. Sau một hồi trò chuyện, biết tôi có ý định tìm hiểu về những năm tháng ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông vào chuyện ngay: Tôi được biên chế ở một đơn vị thuộc Đại đội 39, Tiểu đoàn 328, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Khi ấy, Đại đoàn 312 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng, sau nay đồng chí trở thành Đại tướng, cán bộ cấp cao của Đảng và quân đội ta. Khi đó tôi là Tiểu đội trưởng và là một trong những người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày đầu đến khi kết thúc chiến dịch.
Nói về trận mở màn tấn công cứ điểm Him Lam, ông hồi tưởng: 17 giờ ngày 13-3-1954 toàn đơn vị bắt đầu xuất kích đánh trận mở màn. Chiến sĩ Đại đoàn 312 ào ạt tấn công đồi Him Lam. Đây là một trong ba trung tâm đề kháng cửa ngõ của tập đoàn cứ điểm. Được quân Pháp xây dựng trên điểm cao gần 500m gồm 3 cứ điểm trên 3 quả đồi nằm giáp cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm khoảng 2,5 km. Him Lam nằm trên đường 41 tiến vào, đồng thời đó là một đài quan sát phát hiện ta từ xa để giúp cho cho pháo binh ở Mường Thanh kết hợp với máy bay địch đánh phá.
Khi ấy, Trung đoàn 141 đánh lô cốt số 2 rất khó khăn, vất vả; đã phá hết 7 hàng rào thép gai mà chưa hoàn thành việc mở cửa, bộ đội chưa thể xung phong và tấn công lên được. Đại liên của ta bắn áp đảo, tiếp viện và hỗ trợ cho mở hàng rào. Địch bắn đại liên liên tục, những vệt đạn lúc trời tối xanh lét. Lúc hỏa lực của địch được dập tắt, thừa thắng xông lên, Đại đoàn đánh tiếp các lô cốt mẹ, lô cốt con, cuối cùng toàn bộ cứ điểm Him Lam đã thuộc về quân ta. Thắng trận mở màn, phía quân ta còn gọi cho quân Pháp vào lấy thương binh và chuyển những lính Pháp chết trận. Kỷ niệm về trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ dù đã cách đây hơn 60 năm, nhưng trong người lính Điện Biên Nguyễn Văn Sực vẫn còn như nóng hổi, bồi hồi mỗi khi ông nhớ và kể lại. Quá trình công tác trong quân đội, ông Sực đã được Đảng, Nhà nước trao tặng: 1 Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 1 Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huy hiệu Đại đoàn kết toàn dân, Kỷ niệm chương cựu chiến binh, Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên... và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trở về cuộc sống đời thường, dù mang trong mình vết thương nhưng ông là một trong những người đi tiên phong, động viên người thân trong gia đình và hàng xóm phát triển kinh tế VAC. Trong vườn của gia đình ông có trên 600 cụm thanh long, hàng trăm gốc táo, nhiều loại cây ăn quả và nhiều gia cầm khác. Mỗi năm ông thu về cho từ 30-40 triệu đồng. Nguồn tiền thu được kinh tế VAC ngoài việc dưỡng già, tái đầu tư phát triển kinh tế, hỗ trợ các cháu ăn học…; ông còn đóng góp các quỹ do địa phương phát động, ủng hộ gia đình khó khăn, đồng bào bị thiên tai, bão lụt…
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) thị trấn Trại Cau cho biết: Ông Nguyễn Văn Sực mặc dù tuổi đã cao nhưng luôn là tấm gương cho NCT và các tầng lớp nhân dân trong Thị trấn, ông luôn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, trong lĩnh vực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hàng năm, gia đình ông đều đạt danh hiệu “Tuổi cao - Gương sáng” xuất sắc tiêu biểu của Hội NCT Thị trấn.