Có bao giờ con sóng hết xôn xao? - Câu hỏi ấy dường như đã cất lên từ bao đời nay, nhưng chưa bao giờ được lặp lại nhiều lần, ở nhiều người, nhiều thế hệ như những ngày này. Vì ngoài Biển Đông - vùng thềm lục địa Tổ quốc lại “dậy sóng ba đào” khi Trung Quốc ngang nhiên cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Một nhạc sĩ đã viết: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu”, nhưng trong “giọt đàn bầu” ấy chan chứa máu và nước mắt của cha tôi, cha anh và của rất nhiều thế hệ đi trước từng đổ. Để sau một chuyến đi Trường Sa trở về, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến thảng thốt: “Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”. Đã có bao người vợ, người mẹ Việt Nam đứng bên biển đợi chồng, đợi con hoá vọng phu. Nhiều người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã ra đi không trở về, hồn cốt vùi trong mặn mòi biển cả, hoà vào mênh mang sóng lừng, thứ sóng dồn dội ngược lên từ lòng biển.
Những ai đã từng ra quần đảo Trường Sa, thường được nhắc nhớ về cuộc chiến bất tử của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ở đảo Gạc Ma, một trong những đảo nhỏ xa xôi có 64 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong một chuyến theo bộ đội Hải quân Vùng 4 đi đổi quân và chuyển hàng Tết cho cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa năm 2012, trước lúc lên các đảo Cô Lin, Len Đao và Tiên Nữ, khi qua khu vực đảo Gạc Ma, tôi được chứng kiến một câu chuyện rất kỳ lạ ngoài biển khơi: Đang mùa biển động, sóng dậy từng đợt cao như con đê, vậy mà chợt im lặng khi Thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chính ủy Lữ đoàn Trường Sa cùng các cán bộ, chiến sĩ trên tàu lập hương án, làm lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đây trong trận chiến đấu không cân sức với quân thù năm 1988. Tôi cảm nhận từ trùng khơi, từng cơn gió mềm mại lướt qua da thịt mình, như có rất nhiều bàn tay bối rối, bịn rịn không muốn rời xa. Nhưng thôi đành gửi lời vĩnh biệt các anh, những người con của Tổ quốc đang yên nghỉ trong lòng biển. Chúng tôi cúi đầu trước vong linh các anh, xúc động nhớ tới câu hát: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người”.
Đảo Tiên Nữ (Trường Sa)
Suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cả dân tộc Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, bền bỉ đương đầu với thiên tai, kiên cường đấu tranh chống quân xâm lược, không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào. Trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, rồi một “Điện Biên Phủ trên không” làm tan xác bao “pháo đài bay” B52 của giặc trời đến từ bên kia bán cầu, tiếp đó là Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Nhân dân Việt Nam luôn có tinh thần yêu chuộng hoà bình. Và muốn có hoà bình thì điều tất yếu phải kiên quyết chiến đấu chống lại cường quyền xâm lăng, có thể bằng con đường ngoại giao, bằng dư luận thế giới và thậm chí phải bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân để đẩy đuổi quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ đất nước.
Lịch sử kiên cường, bất khuất dân tộc ta đã được chứng minh bằng những trận đánh đuổi quân thù để giữ nước. Quân giặc Hán, Tống, Nguyên Mông, Minh, Thanh… dù hung hãn đến mấy thì rồi cũng tự chuốc lấy thất bại thảm hại, phải quẳng giáp trụ ôm đầu hồi quốc, tởn đến mấy đời. “Thắng không kiêu, bại không nản”, bởi một chân lý mà từ bao đời nay người dân Việt Nam đã coi là lẽ đạo: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời”. Trong những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, quân và dân ta đều “lấy ít địch nhiều”, “lấy chí nhân để thay cường bạo” và đều giành được thắng lợi vang dội. Không khó giải mã về vấn đề này, mà đơn giản bởi quân dân ta có cuộc chiến chính nghĩa để chống lại những cuộc chiến tranh phi nghĩa...
Nay hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang đối diện với “sóng cồn, bão dữ”, bởi phía Trung Quốc hung hãn luôn tìm cớ gây sự với lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ giữ gìn vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước ta. Hành động phi lý của Trung Quốc khiến tôi nhớ lại trong hành trình ra Trường Sa cùng các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam từ ít năm trước đây, khi lên các đảo Tốc Tan, Trường Sa Đông, Núi Le, Len Đao… chúng tôi đều được nghe những lời khẳng khái của cán bộ, chiến sĩ canh giữ đảo: “Còn người, còn chủ quyền biển, đảo”. Ấn tượng hơn khi đặt chân lên hòn đảo mang tên người Anh hùng Phan Vinh, bước dưới tán bàng vuông mát dịu, Thiếu tá, Chính trị viên phó của đảo - anh Nguyễn Văn Tảo nói đầy quyết tâm: Nhiệm vụ được Tổ quốc giao phó, dù khó khăn, gian khổ, nguy hiểm đến mấy chúng tôi cũng nguyện hoàn thành xuất sắc... Chúng tôi nắm chặt bàn tay nhau, cùng hướng đôi mắt nhìn về nơi chân trời xa tít, ngắm từng con sóng bạc đầu vờn vã giữa trùng khơi.
Đến hôm nay biển lại dậy sóng, cả năm châu chân lý đang dõi nhìn, nhân dân cả nước cùng dõi nhìn. Chúng tôi - những người con của đất nước Việt Nam - xin nguyện được sát cánh bên nhau. Khi Tổ quốc cần, chúng tôi có mặt.