Không tiếc máu xương nơi chiến trường

14:23, 02/05/2014

Những ngày này, khi cả nước chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông Dương Văn Chuyền lại nhớ nhiều hơn về đồng đội và chiến trường xưa. Vì sức khỏe yếu nên mong ước được trở lại Điện Biên của ông đã không thực hiện được. Ông nói: “Dù 60 năm qua phải làm bạn với đôi nạng gỗ mỗi khi di chuyển, nhưng tôi tự hào vì đã góp máu xương của mình cho Tổ quốc, cùng với đồng đội làm nên một kỳ tích lịch sử mà ai ai cũng phải nể phục”.

Ông Dương Văn Chuyền hiện ở xóm Tân Thịnh, xã Tân Đức (Phú Bình), năm nay ông đã bước sang tuổi 90, mắt mờ đục, hai cánh tay chằng chịt những vết sẹo của ông cũng không còn linh hoạt nữa. Hơn 60 năm nay ông phải di chuyển bằng đôi nạng gỗ, bởi chiếc chân phải đã bị mất khi ông bị thương ở chiến trường Điện Biên Phủ.

 

Ông Chuyền tham gia quân ngũ năm 1951. So với các đồng đội cùng đơn vị thì ông thuộc diện già dặn nhất vì khi đó ông đã 27 tuổi. Ông kể: "Lúc đó tôi đã lập gia đình nhưng chưa có con. Khi có thông báo tổng động viên phục vụ cho chiến trường Tây Bắc, tôi đã xung phong nhập ngũ”. Ông được phiên chế về Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Sau một thời gian huấn luyện tại khu vực Thịnh Đán, đơn vị của ông bắt đầu cuộc hành quân kéo dài hơn 1 tháng lên Tây Bắc vào đầu năm 1952.  “Chúng tôi hành quân liên tục, đêm đi, ngày nghỉ để tránh bị địch phát hiện. Mỗi người, ngoài quân tư trang còn mang theo khoảng 10 kg gạo. Tuy nhiên, ngần đó chẳng bõ vào đâu so với sức ăn của thanh niên, bụng đói nên cứ vài ngày anh em phải đục lại thắt lưng một lần cho quần đỡ lỏng...” – ông Chuyền nói.

 

Là đơn vị bộ đội hỗn hợp, nên ông Chuyền vừa trực tiếp chiến đấu, vừa tham gia phục vụ chiến đấu. Ông từng tham gia tiễu phỉ ở Lai Châu, di chuyển pháo vào trận địa, đào hào và trực tiếp tiến công đồn địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ký ức của mình, những ngày ở Tây Bắc và trực tiếp tham gia chiến dịch, kỷ niệm làm ông nhớ nhất đó chính là lần được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp   nói chuyện tại đơn vị.

 

Khi đó, đơn vị của ông Chuyền đã đưa pháo vào trận địa, nhưng ngay sau đó lại được lệnh kéo ngược trở ra. Nhiều người thắc mắc, tại sao đã mất rất nhiều công sức đưa pháo vào trận địa rồi lại yêu cầu kéo ra?; nếu không có pháo thì làm sao có đủ hỏa lực để tiêu diệt địch?; ai đó bị địch bắt nên khai ra lực lượng của mình?. Đúng thời điểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và động viên đơn vị. Hình ảnh ông Chuyền còn nhớ mãi là Đại tướng ăn mặc rất giản dị như anh em chiến sĩ, không đeo quân hàm, dáng vẻ hoạt bát và tinh anh. Đại tướng ân cần hỏi han sức khỏe, tình hình công việc và những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Người giải thích rằng: Địch có lực lượng rất mạnh, nhất là pháo binh và xe tăng. Khi đưa pháo vào trận địa và tấn công, việc địch phản công lại bằng hỏa lực mạnh hơn sẽ dễ dẫn đến việc bị thiệt hại lớn. Ngoài ra, sau khi nghiên cứu kỹ trận địa, lực lượng địch, quyết định chuyển từ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” thì việc di chuyển pháo ra phía ngoài là điều cần thiết. Cách giải thích rõ ràng, khoa học của Đại tướng khiến tất cả mọi người hiểu và đồng tình, thêm quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Những ngày gần cuối chiến dịch, đơn vị của ông Chuyền được lệnh đánh đồi A6 và A7 (khu vực bảo vệ sân bay Mường Thanh). Sau một ngày tiến đánh, quân ta giành được thế thượng phong, áp đảo quân địch. Ngày hôm sau, địch huy động lực lượng phản công để giành lại các vị trí đã mất. Khoảng 3 giờ chiều, khi đang cùng đồng đội chiến đấu, một quả đạn cối của địch rơi trúng chiến hào nơi ông đứng và phát nổ, chân phải của ông (từ bàn chân đến đầu gối) bị xé nát, nhiều mảnh đạn khác găm vào tay và đầu”. Ông Chuyền được các đồng đội cùng chiến đấu tại đó xé tạm ống quần để băng bó. Tuy bị thương nặng, mất máu rất nhiều nhưng ông không hề kêu đau. Ông bảo đồng đội để mình lại một chỗ và động viên mọi người tiếp tục chiến đấu. “Tôi đã lả đi không biết trong thời gian bao nhiêu lâu. Chỉ nhớ đến khi trời đã tối hẳn, có người đã nói rằng anh ấy vẫn còn sống và bảo nhau đưa tôi về tuyến sau”…

 

Ông Chuyền sau đó được điều trị tại bệnh viện quân y dã chiến, rồi được chuyển về Phú Thọ, phần chân phải bị thương nặng phải cắt đến quá bẹn. Những đồng đội của ông đã tiếp tục chiến đấu anh dũng, giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của chiến dịch vào ngày 7-5-1954. Là thương binh hạng 2/4, ông Chuyền trở về địa phương, ông không ngơi nghỉ mà tiếp tục lao động sản xuất để phục vụ cho tiền tuyến. Những đóng góp của ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Đảng và Chính phủ ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý.