Sau hơn hai năm cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, chưa thấy rõ “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái (?!).
Đòi hỏi của nhân dân muốn được biết “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đó là một đòi hỏi chính đáng. Câu trả lời thật không dễ, nhất là khi phải định tính, định lượng. Song, có những số liệu, xin được nêu ra đây để bạn đọc bình xét.
Trong năm 2013, cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, qua đó, đã thi hành kỷ luật 187 trường hợp đảng viên vi phạm. Ngành Thanh tra đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Trong các năm từ 2007 đến 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 2.895 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi tiếp xúc, giải quyết các yêu cầu của nhân dân, doanh nghiệp. Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 151/151 cuộc kiểm toán, đã kiến nghị xử lý trách nhiệm 31 cá nhân sai phạm. Báo cáo của 30 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 60 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã phát hiện, xử lý trách nhiệm 69 trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do để xảy ra tham nhũng… Số liệu trên được thông tin tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng vừa được tổ chức tại Hà Nội vừa mới đây.
Có thể nói, những trường hợp là đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải nhận hình thức kỷ luật thực chất là những trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì suy thoái, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân nên tất yếu dẫn đến vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, có chức năng đấu tranh chống tham nhũng cũng phát hiện ra “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái. Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) cho biết: Trong thời gian từ năm 2010 đến 2013, cơ quan điều tra của VKSNDTC đã phát hiện, khởi tố, điều tra 76 vụ án với 86 bị can phạm tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp (chiếm khoảng 10% tổng số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong cả nước). Những trường hợp bị khởi tố điều tra thực chất là những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất vì động cơ tư lợi dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đưa người phạm tội ra xử lý, trong khi kỷ luật công vụ, cơ chế, kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ ở nhiều địa phương, đơn vị còn lỏng lẻo.
Như vậy, nhận định về “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái không còn mang tính trừu tượng, không phải ở “trên trời”, mà thực tiễn nó đang hiện hữu. “Một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái, có hành vi tiêu cực, tham nhũng đang là vấn đề bức xúc nhất trong xã hội, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân. Vấn đề là, ở bộ, ngành, địa phương nào quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; ở nơi nào người đứng đầu thật sự gương mẫu và tích cực trong cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt này thì nơi đó “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái sẽ lộ diện.
Vấn đề cuối cùng xin được nêu tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đó là: “Nếu không dựa vào dân thì cuộc chiến chống tham nhũng khó có thể thành công”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, cũng chính là thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”- Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần 50 năm qua, đến nay vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa sâu sắc. Bởi, Nhân dân có tai mắt ở mọi nơi, mọi lúc, điều đáng quan tâm là chúng ta cần xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin từ Nhân dân; xây dựng cơ chế “biết nghe dân”; khuyến khích, bảo vệ người dân khi họ tích cực, dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng. Khi đó chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết hơn “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất./.