Ngư dân miền Trung can trường bám biển

08:17, 23/05/2014

Mùa biển đang vào vụ, những con tàu khẳm cá tôm liên tục cập bến, vừa bán xong là lo sửa chữa, đổ dầu, mua đá, gạo, thực phẩm... để kịp ra khơi chuyến mới.

Dù đối mặt với nhiều hiểm nguy và khó khăn trên vùng ngư trường truyền thống Hoàng Sa, nhưng ngư dân miền trung vẫn kiên cường bám biển, không chỉ đánh bắt hải sản, mà còn khẳng định và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Kiên cường bám biển

 

Chiều ngày 15-5 vừa qua, tại cảng cá Thọ Quang, hàng trăm ngư dân TP Ðà Nẵng đã làm lễ biểu dương lực lượng, cổ vũ cho sáu tàu cá công suất lớn xuất bến, hướng thẳng ra vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Ðiều, chủ tàu ÐNa 90350 nói: Chuyến ra khơi này, cả 12 thuyền viên đều là những người khỏe mạnh, có kinh nghiệm đi biển. Ngoài việc đánh bắt hải sản, tổ tàu sẽ "tiếp sức" cùng lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển tuyên truyền, vận động, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

 

Cổ vũ, động viên ngư dân Đà Nẵng ra khơi, bám biển.

 

Tranh thủ lúc các tổ, đội tàu về bờ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) Ðồng Hùng Cường lại đến từng nhà mời ngư dân gặp mặt, vừa để nắm bắt thông tin trên biển, vừa phổ biến kinh nghiệm ứng xử khi gặp tàu Trung Quốc. Ra khơi, các tàu luôn đi thành nhóm, cùng quan sát, hỗ trợ nhau. Trong mọi trường hợp đều cố gắng tránh va chạm, vì tàu mình bằng gỗ, lại nhỏ hơn nhiều nên dễ hư hỏng. Nhưng mình cũng có lợi thế là dễ cơ động, lại đang trên vùng biển của nước mình cho nên bà con tự tin hơn.

 

Phấn khởi nhờ chuyến biển trúng luồng cá, ông Trần Văn Minh, ở thị trấn Thuận An (Thừa Thiên - Huế) cười vui: Chiếc tàu 400 mã lực tôi vừa đóng xong sau Tết. Ði biển được bốn chuyến, trừ chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng. Từ hôm đầu tháng năm tới giờ, mọi người bảo nhau thay mới lá cờ đỏ sao vàng trên tàu. Mấy chú thanh niên trên tàu còn mặc áo có hình cờ Tổ quốc, tự nhiên thấy tự hào và vững tin hơn. Ngư dân mình dẫu gặp gian nguy, khó khăn đến mấy cũng không bao giờ bỏ biển. Xã Phong Hải (huyện Phong Ðiền, Thừa Thiên - Huế) cũng vừa thành lập Ðội ứng cứu thiên tai trên biển với 20 thành viên dày dạn kinh nghiệm đi biển. Hễ có tàu bị nạn. Ðội ứng cứu lập tức lên đường cứu hộ, cứu nạn. Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải Nguyễn Văn Nuôi cho biết: "Ðội ứng cứu được trang bị áo phao, dây neo, dây thừng lớn, hệ thống liên lạc tầm xa hiện đại. Những khi bất trắc, các thành viên của đội luôn sát cánh, hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ ngư dân trên biển quê hương". Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) Phạm Văn Quyện tâm sự: Ngư dân gắn đời mình với biển. Hồi trước nghèo, tàu nhỏ máy yếu, dễ bị sóng to, gió lớn đánh chìm, vỡ. Hiện nay ngư dân tìm mọi nguồn vốn, đóng tàu lớn hơn, trang thiết bị hiện đại hơn, gió bão đỡ lo.

 

Tiếp sức cho ngư dân

 

Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, từ năm 2011 đến nay, Phú Yên đã hỗ trợ gần 110 tỷ đồng cho ngư dân đóng mới, cải hoán 425 tàu cá công suất 90 mã lực trở lên; trong đó có hơn 40 tàu công suất hơn 400 mã lực. Phú Yên nổi tiếng về nghề câu cá ngừ đại dương, với gần 7.230 tàu cá và 25.750 lao động. Trong đó có hơn 1.000 tàu công suất lớn, đánh bắt vùng biển xa 300 đến 400 hải lý. Ðể góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt, bảo đảm an toàn khi có sự cố, tỉnh Phú Yên thành lập 103 tổ, đội đoàn kết với 851 tàu, hơn 7.000 ngư dân tham gia; trong đó có 34 tổ với 230 tàu chuyên đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Ðội tàu hùng hậu nhất miền trung là của ngư dân Ðà Nẵng, với hàng chục chiếc có công suất hơn 800 mã lực, cùng tàu hậu cần nghề cá 1.300 mã lực, là tàu lớn nhất trong khu vực của chàng trai trẻ Lê Văn Sang. Tàu của Lê Văn Sang không chỉ cung cấp dầu, nước đá, lương thực, thực phẩm cho các tổ tàu trên biển xa, mà còn cứu kéo, giúp đỡ tàu bạn gặp sự cố, hoặc đưa bạn nghề đau ốm về bờ. Lão ngư can trường nhất của làng biển Ðà Nẵng là Phạm Quang Phụng, tuổi gần 60, đã 42 năm đi biển với hàng nghìn lần ra khơi. Ông Phụng thuộc từng con nước, rặng san hô, bãi cạn ở ngư trường Hoàng Sa. Buộc chặt lá cờ mới tinh trên nóc ca-bin tàu cá, ông Phụng nói trước giờ khởi hành: "Biển của mình mà, có chi phải sợ. Ra đó còn có bạn tàu, có Kiểm ngư, Cảnh sát biển". Ðội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân miền trung ngày càng hùng hậu, can trường. Ngoài triển khai chủ trương chung của Chính phủ trong tạo nguồn vốn vay lãi suất thấp để đóng mới tàu công suất lớn, hỗ trợ lắp đặt máy dò cá, máy liên lạc tầm xa, thiết bị định vị vệ tinh... các tỉnh, thành phố miền trung đều có nguồn kinh phí hỗ trợ ngư dân vươn khơi. Như ở Ðà Nẵng, cứ đóng mới mỗi tàu công suất từ 400 mã lực trở lên, ngư dân được hỗ trợ 500 đến 800 triệu đồng. Tỉnh Quảng Bình hỗ trợ 50 triệu đồng/tàu đóng mới công suất 500 mã lực, các huyện hỗ trợ thêm 30 đến 40 triệu đồng. Bốn tháng đầu năm 2014, ngư dân Quảng Bình đóng mới 40 tàu từ 250 đến 500 mã lực, trị giá hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy sẽ hỗ trợ ngư dân Quảng Bình đóng mới bốn tàu sắt, trị giá mỗi tàu hơn 15 tỷ đồng, trong đó, ngư dân bỏ ra 20% vốn, số còn lại doanh nghiệp sẽ ứng vốn và trả dần trong năm năm.

 

Những ngày "biển động", nhưng suốt một dải dài miền trung, làng biển yên ắng bởi ngư dân đã ra biển lớn. Những người đàn ông ồn ào, phóng khoáng của làng biển đang vững tay chèo, đưa những con tàu vượt sóng gió, vươn khơi bám biển. "Biển động" như khiến lòng dân bền chặt, tin tưởng hơn. Quyết tâm bảo vệ ngư trường, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang trào lên như sóng trong mỗi tâm hồn người con đất Việt.