Cựu chiến binh Nguyễn Đình Ngái - người anh hùng phá bom nổ chậm một thời hiện đang cư trú tại tổ 1, thị trấn Trại Cau. Trong kháng chiến chống Pháp, ông thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 185, Trung đoàn 246. Sau khi tiễu phỉ ở Lào Cai, ông được điều về làm nhiệm vụ ở đội phá bom nổ chậm tại ngã 3 Cò Nòi, Hát Lót, rồi đào chiến hào xung quanh hầm tướng Đờ-cát cho đồng đội đánh bộc phá tại đồi A1.
Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Luôn, vợ ông cho biết: Hiện tại, ông nhà tôi rất yếu, năm 2012, ông ấy ốm nặng, Bệnh viện Quân đội 108 đã phải trả về. Gần đây, ông ấy không mấy khi ngồi dậy trò chuyện được, nhưng khi biết các chị nhà báo đến hỏi chuyện về Điện Biên Phủ ông ấy lại khỏe ra. Chúng tôi không phải chờ lâu, ít phút sau, ông Ngái chống gậy bước ra. Nhắc tới Điện Biên Phủ, ký ức ùa về như những thước phim quay chậm, ông chậm rãi kể: Quê ông ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Năm 1946 ông lên đường nhập ngũ, thuộc quân số của Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc. Khi nhận được tin giặc nhảy dù xuống Điện Biên, đơn vị ông nhận lệnh hành quân theo hướng Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái - Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên. Đoàn quân chia làm nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp 3 người, mỗi người cách nhau 3m, mỗi tốp cách nhau 5m. Thời điểm năm 1953, tại Lào Cai, thực dân Pháp gây dựng nhiều toán phỉ nhằm phá hoại hậu phương, ngăn chặn ta chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Đơn vị ông được lệnh ở lại cùng quân dân Lào Cai tiễu phỉ tại 3 huyện Sa Pa, Bát Xát và Bắc Hà.
Ông Ngái sáng dạ, chẳng bao lâu đã có thể nói thành thạo tiếng của người dân địa phương. Ông được cử đi cùng một tiểu đội người bản địa, ăn vận quần áo và giắt lưng con dao giống người dân địa phương đi làm rừng tiến vào hang ổ của tên phỉ Giàng A Phú, một trong những tên cầm đầu phỉ ở Bắc Hà. Ông tiếp cận hắn với tác phong và giọng nói đặc sệt như người Mông sống lâu năm tại đây nên không mảy may bị nghi ngờ. Nhờ vậy ông đã bắt được Giàng A Phú mà không phải động đến vũ khí.
Một tháng sau đó, rất nhiều phỉ đã lần lượt ra hàng. Sau chiến công ấy, ông được nhận 2 Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và hạng Hai. Kể đến đây, ông Ngái bảo chắt nội vào lấy cho ông cái túi cất trong tủ. Ông mở chiếc túi cũ được cuốn cẩn thận bằng mấy vòng dây cao su, lấy cho chúng tôi xem những tấm huân, huy chương được ông lưu giữ cẩn thận. Sau gần 1 năm ở Lào Cai tiễu phỉ, đầu năm 1954, đơn vị hành quân qua Sơn La, ông được giao nhiệm cùng một số đồng đội phá bom nổ chậm. Mặc dù trước đó ông chỉ được đơn vị cử đi nghe chuyên gia nước ngoài hướng dẫn cách phá bom trong thời gian một tuần. Ông nhớ lại: Phá bom dọc đường đi, nhưng kinh hãi nhất là ở Hát Lót và trên con đường huyết mạch vào ngã ba Cò Nòi. Tại đây, ngày nào quân Pháp cũng trút xuống vài đợt bom. Chúng phá đường đến đâu, ta vá đến đó, ý định biến nơi đây thành “ngã ba chết” không thành, quân Pháp đánh vào đường ngầm Hát Lót. Chúng tôi ý thức rằng đội đi phá bom cũng giống đội cảm tử. Biết rõ sự nguy hiểm nhưng tất cả đều hăng hái không chút sợ sệt.
Trong số các loại bom giặc trút xuống, ông Ngái chủ yếu gặp và phá bom nổ chậm, một trong những loại nguy hiểm hơn cả vì đây là bom không hẹn giờ, có thể nổ bất cứ lúc nào. Kinh nghiệm ông Ngái tự đúc rút là sau mỗi lần địch ném bom khoảng một tiếng không thấy bom nổ là thời điểm phá bom an toàn nhất. Nhờ kinh nghiệm này, ông đã phá được 22 quả bom nổ chậm an toàn. Với thành tích này, ông được tặng thưởng thêm 2 Huân chương Chiến thắng Hạng Nhất. Kể lại chuyện phá bom, sắc thái trên khuôn mặt của người cựu binh già thay đổi nhiều lần. Ông cho chúng tôi cảm nhận được những bước chân thận trọng của những người lính đi dò tìm bom, khi mau lẹ hướng dẫn đồng đội đào hố bom, lúc dứt khoát trong từng động tác dùng bộc phá phá bom. Rồi từ 2 khóe mắt đã đục mờ vì thời gian của ông, những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội tràn xuống những nếp nhăn sâu hoắm. Ông tiếp lời: Tôi trở về bình yên nhưng nhiều đồng đội thì không được may mắn thế. Có lần vì sốt ruột ra phá bom để giải phóng đường sớm, một đồng đội của tôi đã không đợi được một tiếng đồng hồ. Anh ấy vừa lao ra đường cũng là lúc quả bom phát nổ…
Ký ức về chiến tranh, về những người đồng đội đang sống lại trong ông. Khi tiến vào cánh đồng Mường Thanh, đơn vị ông nhận lệnh đào đường hầm vào hầm của tướng Đờ-cát. Kế hoạch “khoét núi, ngủ hầm” bắt đầu được triển khai. Lúc này, trên đỉnh đồi A1, ta và địch vẫn giằng co nhau từng mét đất. Việc đào đường hầm bí mật, đặt khối bộc phá nghìn cân phá sập hệ thống hầm ngầm của giặc sẽ là nhiệm vụ mấu chốt giúp quân ta chiếm trọn đồi A1. Đây là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nhưng hào hùng. Ông hồi tưởng: Bao nhiêu người tham gia đào hầm tôi không rõ, chỉ biết lúc đó chúng tôi thay nhau hai người một lượt đào và chuyển đất về phía sau. Ban đầu phải nằm đào, sau đó mới ngồi và lom khom người được. Cơ cực vì mệt, vì thiếu khí thở rồi phải chứng kiến đồng đội hy sinh, đau lòng lắm nhưng chúng tôi ai cũng giữ nguyên ý chí. Cứ vậy đào hàng tháng trời. Nhờ khối bộc phá nghìn cân được chuyển vào với sức mạnh rung chuyển, quân ta chiếm được trọn đồi A1, nghe tin đó thật không gì sung sướng bằng.
Gần 90 năm tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, ông Ngái tự hào vì mình có 2 người con gái, 2 người con rể và người cháu nội đang đứng trong hàng ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những ngày này, khi cả hướng đang hướng về Điện Biên Phủ, tuổi cao sức yếu ông không thể trở lại chiến trường xưa. Đó có lẽ là điều ông luyến nhớ nhất. Ông bảo: “Những ký ức về chiến tranh, về Điện Biên Phủ vẫn là những ký ức ở trong tâm trí”.