Phát huy hơn nữa trách nhiệm, tài năng, công sức của văn nghệ sĩ, trí thức

10:57, 19/05/2014

Nhân dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Thái Nguyên về những hoạt động thiết thực kỷ niệm sự kiện quan trọng này.

P.V: Thưa đồng chí, trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm Sinh nhật Bác năm nay, tỉnh ta có 2  hoạt động đặc biệt là tổ chức Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp tỉnh về truyền đạt tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và gặp mặt, biểu dương văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về mục đích của 2 hoạt động này?

 

Đ/c Lê Quang Dực: Đây là những hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Mục đích của Hội thi Báo cáo viên giỏi truyền đạt tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác; trọng tâm là tuyên truyền nội dung chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014 về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” và nội dung một số tác phẩm của Người. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh. Cũng thông qua Hội thi nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên các cấp.

 

Đối với Hội nghị gặp mặt văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu của tỉnh; trao giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2014 được tổ chức nhằm kịp thời cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong tỉnh với những đóng góp quan trọng vào hoạt động nghiên cứu, sáng tạo văn học, nghệ thuật, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; biểu dương, khen thưởng các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải Cuộc thi Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2014. Cũng thông qua đây để trao đổi, thảo luận giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức; giải đáp tâm tư, tình cảm, nguyện vọng về cơ chế, chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nhằm động viên, tạo động lực để đội ngũ này phát huy hơn nữa trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn tài năng, công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tạo cơ hội cho các văn nghệ sĩ, trí thức giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các thông tin về nghề nghiệp, cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước…


P.V: Năm 2007, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hội thi năm 2007 và Hội thi năm nay có điểm giống và khác nhau như thế nào, thưa đồng chí?

 

Đ/c Lê Quang Dực: Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Hội thi Báo cáo viên giỏi truyền đạt tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đều là những hoạt động nhằm tuyên truyền tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, mỗi cuộc thi có một đặc điểm riêng. Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2007 là triển khai theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, với hình thức là Kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác. Còn Hội thi năm nay là triển khai thực hiện nội dung của Đề án số 09-ĐA/TU ngày 26-9-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011-2015”, là cách làm riêng của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.

 

Với Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2007, mục đích chủ yếu là nhằm tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về tấm gương đạo đức của Bác. Còn với Hội thi Báo cáo viên giỏi truyền đạt tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm nay, bên cạnh mục đích tuyên truyền về tấm gương đạo đức của Bác theo chuyên đề học tập năm 2014 về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, tuyên truyền nội dung các tác phẩm của Người, Hội thi còn nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ báo cáo viên các cấp.

 

P.V: Về cuộc gặp mặt, biểu dương văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu, tỉnh ta đã tổ chức hội nghị tương tự vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2009. Vậy định kỳ tổ chức hội nghị này sẽ như thế nào? Sau 5 năm, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức tỉnh nhà có gì thay đổi, thưa đồng chí?

 

Đ/c Lê Quang Dực: Đây là lần thứ hai trong 5 năm qua lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp mặt anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu. Chủ trương của tỉnh là sẽ cố gắng tổ chức gặp mặt đội ngũ này 2-3 năm/1 lần.

 

Có thể nói trong 5 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức của tỉnh đã có nhiều buớc phát triển, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, số văn nghệ sĩ là thành viên các hội cấp tỉnh có gần 300 người, cấp huyện có trên dưới 350 người, tăng khoảng 15% so với 5 năm trước. Năm 2013, Đại hội Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, Đại hội Hội VHNT các dân tộc thiểu số tỉnh được tổ chức thành công tốt đẹp; cuối năm 2013 đã thành lập được Hội VHNT huyện Võ Nhai. Tới đây, Hội VHNT thị xã Sông Công sẽ được thành lập (đã ra mắt Ban Vận động thành lập Hội)... Nhìn chung, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh ta có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, chuyên môn khá; sáng tạo nghệ thuật tương đối đều trong các ngành văn học, nghệ thuật, chất lượng các tác phẩm nhìn chung đều bảo đảm giá trị về tư tưởng, nghệ thuật...

 

Về đội ngũ trí thức, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ này, đồng thời tạo môi trường, điều kiện cho trí thức hoạt động, cống hiến… Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay số người có trình độ đại học của tỉnh là gần 65.000 người (chiếm khoảng 23% số nhân lực qua đào tạo), trên đại học là gần 3.400 người (chiếm gần 2%), trong số đó đội ngũ công chức, viên chức chiếm khoảng 30%. Tính riêng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, số có trình độ từ đại học trở lên chiếm 74,67%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 41,08%. Trong Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật của tỉnh hiện nay có 23 hội thành viên, với 38.032 hội viên. Các hội viên trong Liên hiệp nhìn chung đều yêu nghề, tự trọng trong khoa học, đạo đức nghề nghiệp tốt.

 

Nói tóm lại, trong những năm qua, đội ngũ trí thức của tỉnh đã phát triển nhanh về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đổi mới toàn diện, thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy định. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ trí thức ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!