Ngày 24-5, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ năm. Buổi sáng, QH nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật nhà ở (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án luật nêu trên; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi). Buổi chiều, QH nghe Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án luật này; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đầu tư công.
Tăng cường quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng
Buổi sáng, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi), đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) và một số đại biểu cho rằng, vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ và chi phí đầu tư xây dựng công trình... Tuy nhiên, dự thảo luật đề cập đến vấn đề này (ở các Ðiều: 4, 11, 80, 120...), còn rời rạc, chung chung. Do vậy, các đại biểu này đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thành một chương riêng quy định về quản lý VLXD, để tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, giám sát chất lượng, sản xuất, kinh doanh, lưu thông và sử dụng VLXD, định hướng cho việc phát triển thị trường VLXD.
Ðề cập đến hoạt động đầu tư xây dựng, đại biểu Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) cho rằng, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào lĩnh vực xây dựng là rất lớn, song do năng lực, trách nhiệm của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nhất là chủ đầu tư ở các địa phương, cơ sở... Cùng với đó, thời gian qua, nhiều nhà thầu nước ngoài vào nước ta đầu tư, tư vấn xây dựng, nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng, một số nhà thầu kéo dài thời gian xây dựng công trình... Do vậy, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về năng lực của nhà thầu phù hợp quy mô hoạt động và có các chế tài đủ mạnh để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu triển khai hoạt động xây dựng tại Việt Nam... Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, đại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật cần quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm; nhất là bổ sung quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cá nhân trong việc kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư, triển khai xây dựng các công trình bằng nguồn vốn nhà nước.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật nhà ở (sửa đổi) và nghe Báo cáo thẩm tra tờ trình nói trên. Theo Ban soạn thảo, dự án Luật này được xây dựng theo hướng khắc phục những tồn tại, vướng mắc, không phù hợp thực tiễn của Luật hiện hành. Ðồng thời, để thể chế hóa các quan điểm của Ðảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nơi ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân.
Chú trọng hiệu quả trong đầu tư công
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo đó, Luật được nghiên cứu, bổ sung một số nội dung mới, trong đó bảo đảm việc đầu tư kinh doanh bất động sản cần tuân thủ đúng quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và theo kế hoạch thực hiện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư bất động sản tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung - cầu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở như những năm vừa qua, bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả. Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao, đồng thời giải quyết nhiều việc làm...
Trong phiên làm việc buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đầu tư công. Theo đó, Dự thảo Luật đầu tư công đã tiếp thu để bổ sung thêm 21 điều, trong đó có những điều thể hiện rõ hơn tiêu chí xác định, phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định các dự án đầu tư, kế hoạch đầu tư trung hạn để bảo đảm thực hiện đầu tư công hiệu quả...
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đầu tư công, có đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với các Ðiều 8, Ðiều 9, Ðiều 10 về phân loại dự án đầu tư và cho rằng các quy định như vậy là chặt chẽ, hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng) và một số đại biểu khác nêu ý kiến, cách phân loại chủ yếu dựa vào quy mô dự án, chưa dựa vào nguồn vốn đầu tư cho nên chưa thể tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tự cân đối nguồn vốn. Ðề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, sửa đổi để tăng sự chủ động cho các địa phương trong quyết định đầu tư công.
Xác định, làm rõ hiệu quả của đầu tư công là nội dung được các đại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) quan tâm và cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình thực hiện đầu tư công. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ tránh được lãng phí, khắc phục cơ chế xin - cho, hạn chế đầu tư dàn trải và phòng, chống tham nhũng trong đầu tư công. Một trong những việc cần tập trung chú trọng là làm rõ hơn, cụ thể hơn các hành vi bị cấm trong đầu tư công. Bên cạnh đó, các quy định trong dự thảo Luật cần có sự gắn kết với Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để phát huy hiệu quả đồng bộ.
Một số ý kiến đề nghị, để công khai, minh bạch và thực hiện giám sát hiệu quả tốt đầu tư công, Luật cần bổ sung rõ ràng hơn những quy định về vai trò của người dân, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan thông tấn báo chí trong việc tham gia giám sát đầu tư công, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực quan trọng này.