Là những báo cáo viên xuất sắc nhất được lựa chọn từ các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh, 22 thí sinh (TS) có mặt tại Hội thi Báo cáo viên giỏi truyền đạt tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp tỉnh năm 2014 (tổ chức ngày 17-5 tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Ban Giám khảo và đông đảo người theo dõi Hội thi. Qua phần thể hiện nội dung của các TS cùng sự phân tích, liên hệ với thực tiễn, giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Người tiếp tục được lan tỏa, làm lay động bao trái tim.
Sau thành công từ các Hội thi được tổ chức ở các Đảng bộ trực thuộc, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 26-9-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015” đã lựa chọn Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) là nơi diễn ra Hội thi Báo cáo viên giỏi truyền đạt tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp tỉnh năm 2014. Ngay từ sáng sớm, Hội trường C1 của Trường Đại học Sư phạm đã chật kín chỗ ngồi. Trang trọng hơn, Hội thi được đón nhận sự hiện diện của đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo ban, ngành của tỉnh, các Đảng bộ trực thuộc và hàng trăm sinh viên ngành Sư phạm. Không khí Hội thi trở nên rạo rực hơn với màn hát múa ca ngợi Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu do đội văn nghệ xung kích Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên biểu diễn. Sau bài diễn văn khai mạc của đồng chí Trần Xuân Hựu, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi, 22 TS tự tin bước vào phần thi của mình.
Chủ đề của Hội thi đã được nhiều TS nêu bật với những nội dung cụ thể như: nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, sửa đổi lối làm việc hay quan điểm của Hồ Chí Minh đối với công tác dân vận... Đặc biệt, hai nội dung được các TS lựa chọn thể hiện nhiều nhất là Quan điểm của Hồ Chí Minh về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm” và “Nói đi đôi với làm”. Ở nội dung này, các TS đã làm cho người nghe hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ đều được xuất phát từ những việc làm, trách nhiệm, lời nói của Người trước Đảng, trước nhân dân lúc sinh thời. Theo Bác, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức là “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác; nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng. Trái ngược với tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm là chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, nói mà không làm hay nói nhiều làm ít gây mất lòng tin trong nhân dân... Trước những khuyết điểm, sai lầm, người cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc tự nhận trách nhiệm, kiểm điểm trước tổ chức, nhân dân và phái có phương pháp sửa chữa, khắc phục.
Theo qui định của Hội thi, thí sinh phải thực hiện 3 phần thi: soạn đề cương, thuyết trình trước sân khấu và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo. Tuy thời gian dành cho phần thuyết trình chỉ có 17 phút nhưng do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc nên những quan điểm, tư tưởng, đạo đức lối sống của Hồ Chí Minh được các TS trình bày một cách tự tin, sự phân tích sắc sảo, toàn diện. Mỗi người một phong cách, sự thể hiện khác nhau nhưng hầu hết TS đã biết vận dụng và liên hệ rất linh hoạt với bản thân và thực tế công việc tại đơn vị địa phương nơi công tác. Ví dụ như TS Nguyễn Tuấn Hưởng (Đảng bộ huyện Phú Bình) gắn tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên huyện mình trong xây dựng nông thôn mới, quan tâm chăm sóc cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người nghèo. Hay như TS Đào Minh Nguyệt đã đề cập đến tinh thần trách nhiệm trong phục vụ bệnh nhân của tập thể cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Thái Nguyên, nơi mình đang công tác, đồng thời phê phán vấn đề tiêu cực trong ngành Y tế, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận thầy thuốc hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi, TS Lầu Văn Chinh (Đảng bộ Công an tỉnh) nói: Đến với Hội thi, tôi lựa chọn nội dung Bác Hồ với công tác dân vận. Tôi rất tâm đắc với lời dạy của Người dành cho cán bộ và công tác dân vận là: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Lời dạy của Người dễ hiểu, dễ nhớ, rất sâu sắc và luôn có giá trị bởi đặc thù công việc của tôi và đơn vị là tuyên truyền, vận động quần chúng nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Còn TS Nguyễn Kiên Cường (Đại diện cho lực lượng Cựu chiến binh tỉnh) lại rất tâm huyết với tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947. Theo anh, Tác phẩm này càng có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực đối với cán bộ, đảng viên nhất là khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Em Hà Thế Duy, sinh viên Khoa Sinh – Kỹ Thuật nông nghiệp, Đại học Sư phạm Thái Nguyên nói: Hội thi hấp dẫn em ngay từ chủ đề. Qua sự thể hiện của các TS em càng hiểu sâu sắc hơn về vị lãnh tụ kính yêu cũng như giá trị tư tưởng, đạo đức mà Người đã truyền lại cho dân tộc ta. Từ đây, em thấy mình cần nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện bản thân để sau này trở thành người thầy theo đúng chuẩn mực.
Đánh giá về Hội thi, đồng chí Hoàng Anh Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Giám khảo Hội thi nói: Nhìn chung các TS đều có sự chuẩn bị chu đáo, nêu bật được vấn đề truyền đạt tư tưởng, tấm gương đạo đức, gắn với chủ đề học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2014 là “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm. Điều đó đã tạo nên sức lan tỏa cho Hội thi, đặc biệt là thu hút được sự theo dõi, cổ vũ của đông đảo giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm và người dân.
Với sự thể hiện xuất sắc của mình, 2 TS Hoàng Minh Cương (Đảng bộ Thị xã Sông Công) và Nguyễn Văn Bắc (Đảng bộ T.P Thái Nguyên) đã giành giải A của Hội thi. 3 giải B đã thuộc về các TS: Đặng Thị Duyên (Đảng bộ Khối Doanh nghiệp), Hà Thị Tuyết (Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh), Ngô Ngọc Thanh (Đảng bộ huyện Đại Từ). Ban Tổ chức cũng đã trao 7 giải C và 10 giải Khuyến khích cho các TS còn lại. Hội thi đã khép lại với những kết quả tốt đẹp, sự thành công của Hội thi không phải ở việc đoạt giải cao thấp của các TS mà quan trọng hơn là tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được lan tỏa sâu rộng, luôn sáng mãi trong lòng những người dân đất Việt và bạn bè khắp năm châu.