Ngày 21-6-1925, Tờ báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính đã ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Và, Bác đã để lại cho các thế hệ nhà báo nhiều bài học lớn về nghề báo, trong đó có cách viết, cách nói.
Với quan niệm báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác Hồ chỉ rõ: “Bài báo là tờ hịch cách mạng. Đã là nhà báo, chiến sĩ cách mạng, bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng đều phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng là gì”.
Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1962), Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh (kể cả hy sinh tính mạng), vì nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để lưu danh thiên cổ, muốn viết cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn”. Cũng tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam Bác nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu thực tế, đi sâu quần chúng lao động”…
Những lời căn dặn của Người về báo chí và những bài học kinh nghiệm về cách nói, cách viết báo càng suy ngẫm, càng soi rọi vào thực tiễn càng thấy vẫn nguyên giá trị truyền nghề cho các thế hệ làm báo ở nước ta hôm nay và mai sau.