Cần lên án hành động vô nhân đạo của Trung Quốc ở Biển Đông

07:56, 01/06/2014

Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhưng cũng ẩn chứa nguy cơ xung đột do những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ.

Để duy trì hòa bình và an ninh trên biển Đông, các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển, giải quyết các tranh chap bằng biện pháp hòa bình, không gây cản trở các hoạt động kinh tế - thương mại trên biển và đặc biệt là không được đối xử vô nhân đạo với ngư dân...

 

Đó là những phân tích thấu đáo mà Đại tá, Thạc sỹ Vũ Khanh, một chuyên gia nghiên cứu quốc tế, đề cập trong bài viết dưới đây.

 

Với diện tích gần 3 triệu km2, Biển Đông là biển nửa kín lớn hàng đầu trên thế giới. Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhưng cũng ẩn chứa nguy cơ xung đột do những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và vùng biển giữa các quốc gia trong khu vực.

 

Đối với 9 quốc gia (vùng lãnh thổ) ven biển, gồm: Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) về phía Bắc, Philippines ở phía Đông, Malaysia, Singapore , Indonesia và Brunei ở phía Nam, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam ở phía Tây, Biển Đông có giá trị to lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

 

Thời gian qua, tình hình Biển Đông đã có nhiều thay đổi, bao gồm những thay đổi tích cực và không tích cực. Nhận thức của cộng đồng khu vực và quốc tế về tầm quan trọng của Biển Đông đã được nâng cao, cùng với đó là sự gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

 

Từ một khu vực chưa được nhiều người biết đến, Biển Đông đã trở thành khu vực được quan tâm của cộng đồng khu vực và quốc tế. Vì lợi ích của mình, cũng như vì lợi ích của cả cộng đồng khu vực và quốc tế, các nước liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Biển Đông đều tiến hành điều chỉnh chính sách, có lúc quyết đoán, có lúc táo bạo, nhưng nhìn chung đều kiềm chế, không để xảy ra xung đột.

 

Các cơ chế hợp tác song phương và đa phương ở khu vực bắt đầu phát huy tác dụng trong việc kiềm chế xung đột, xử lý các vấn đề nảy sinh. Theo đó, thay vì đối đầu, tập quán văn hóa hợp tác giữa các bên liên quan đã được củng cố thêm một bước.

 

Các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), cùng hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với mức độ cam kết chính trị cao, với những cơ chế kiểm soát tranh chấp, ngăn ngừa xung đột hiệu quả.

 

Tuy nhiên, liên quan đến Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Hiện nay, vẫn còn một số bên liên quan đến tranh chấp quan niệm và theo đuổi các lợi ích trước mắt của mình ở Biển Đông mà chưa tính đến đầy đủ lợi ích lâu dài của chính mình và chưa tính đến đầy đủ lợi ích của các nước trong khu vực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

 

Vẫn còn sự tồn tại khác nhau về cách diễn giải và áp dụng luật quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước Luật Biển) đối với các vùng biển có chồng lấn yêu sách ở Biển Đông, đối với quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Vẫn còn những hành động như việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou 981), vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam; vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, gây lo ngại đến an ninh khu vực.

 

Trước sự việc trên, Trung Quốc cần phải nghiêm túc xem xét lại trách nhiệm và các hành động của mình trong việc duy trì hòa bình và an ninh trên Biển Đông, góp phần xây dựng châu Á - Thái Bình Dương thành một khu vực hòa bình và phát triển thịnh vượng.

 

* Cần tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển

 

Đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới nói chung và trên Biển Đông nói riêng. Hiến chương Liên hợp quốc là điều ước quốc tế phổ cập có vai trò quan trọng nhất, đặt cơ sở nền tảng cho toàn bộ hệ thống luật quốc tế nói chung, cho việc giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế nói riêng.

 

Mục đích và tôn chỉ của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Đây là vấn đề xuyên suốt của Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như thể hiện rõ ràng trong các hoạt động của Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên hợp quốc.

 

Trong duy trì hòa bình và an ninh, giải quyết các tranh chấp, các quốc gia phải tuyệt đối tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc nhằm gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế; phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, dân tộc tự quyết; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội, nhân đạo...

 

Khoản 4, Điều 2, Chương I, Hiến chương Liên hợp quốc quy định: “Tất cả các thành viên từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.

 

Việc Trung Quốc sử dụng các phương tiện quân sự như: Tàu chiến, máy bay hộ tống giàn khoan Hải Dương - 981; dùng các tàu hải cảnh, kiểm ngư, tàu cá bọc sắt chủ động đâm va, dùng vòi rồng cản phá các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư đang làm nhiệm vụ của Việt Nam, tàu cá của ngư dân đang hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động sử dụng vũ lực.

 

Những hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc mà Trung Quốc là một thành viên.

 

Công ước Luật Biển được coi là đỉnh cao của luật biển quốc tế, là văn kiện có tính tổng hợp, bao quát tất cả các vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, đáp ứng lợi ích của các nước ven biển cũng như bảo đảm mọi công bằng đối với các nước thành viên Liên hợp quốc.

 

Việc thông qua Công ước Luật Biển là một thành công và là bước tiến cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập trật tự trên biển. Công ước Luật Biển được coi là hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương, xác định một cách toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế.

 

Đồng thời Công ước Luật Biển cũng quy định thành lập một số cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến hoạt động ở biển và đại dương như: Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương (ISA), Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) và Hội nghị các quốc gia thành viên công ước (SPLOS).

 

Đặc biệt liên quan đến các tranh chấp có thể nảy sinh giữa các thành viên, Công ước Luật Biển đòi hỏi các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời nêu rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính triệt để.

 

Là một thành viên ký Công ước Luật Biển, nên Trung Quốc phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ Công ước, cần có thiện chí, sự sẵn sàng hợp tác và sự nhượng bộ trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng.

 

Trong quan hệ với ASEAN, ngoài việc tuân thủ nghiêm Công ước Luật Biển, Trung Quốc cần phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC mà Trung Quốc là một bên đối tác, tiến tới xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc.

 

* Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

 

Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình là xu hướng tất yếu không thể phủ nhận và được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới ủng hộ. Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình có thể được hiểu là (i) giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình (song phương hoặc đa phương) trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm đi tới một giải pháp công bằng cho tất cả các bên; (ii) giải quyết các tranh chấp thông qua trung gian, hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về Luật biển và các tòa trọng tài khác.

 

Trong giải quyết các tranh chấp, cần kiên trì, kiềm chế, xử lý bình tĩnh, trên tinh thần đoàn kết và hợp tác; tuyệt đối không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Cần phát huy hiệu quả của các cơ chế an ninh khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Đối thoại Shangri-La trong ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp, bất đồng.

 

Cần giải quyết vấn đề bất đồng, tranh chấp từ dễ đến khó, từ ít phức tạp đến phức tạp hơn. Các nước cần chủ động cung cấp thông tin công khai, minh bạch, chính xác để thế giới biết ai đúng ai sai để họ có tiếng nói ủng hộ chính nghĩa, không lôi kéo, tập hợp lực lượng để chống lại hay đối trọng với các nước khác.

 

* Không cản trở các hoạt động kinh tế - thương mại trên biển

 

Trong thời gian qua, trên Biển Đông đã xảy ra một số hành động gây cản trở hoạt động sản xuất kinh tế, là mối đe dọa chưa có tiền lệ đối với an ninh hàng hải. Điển hình là việc ngày 26/5/2011, các tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò tàu khảo sát Bình Minh 2 của Việt Nam khi đang tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

 

Sau sự kiện tàu Bình Minh 2, tàu hải giám của Trung Quốc lại tiếp tục quấy nhiễu tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam trên Biển Đông. Ngày 9/6/2011, khi tàu Viking 2 đang tiến hành khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Vũng Tàu khoảng 146 hải lý về phía Đông Nam, thì bị hai tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Và hiện nay là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

 

Trung Quốc cần tuân theo tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, cam kết không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền của mình. Cần thúc đẩy Nhóm làm việc chung Trung Quốc - ASEAN thực hiện các Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC.

 

Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan, tàu chiến, máy bay, tàu công vụ, tàu cá ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và phải cam kết công khai không để tái diễn các hành động cản trở các hoạt động kinh tế - thương mại trên biển, trong khi chờ đợi thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý.

 

* Đối xử nhân đạo với ngư dân

 

Hiện nay, đời sống của hàng triệu người dân các nước ven Biển Đông dựa chủ yếu vào hoạt động đánh bắt cá.

 

Trong khi đó, nguồn cá ở Biển Đông đang ngày càng cạn kiệt do tình trạng khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường biển.

 

Do khó phân biệt chính xác ranh giới trên biển nên không tránh khỏi việc ngư dân nước này đánh bắt hải sản ở những vùng biển xa, mà không biết vùng biển đó thuộc chủ quyền của nước khác. Những ngư dân này phải đối mặt với rất nhiều mối nguy hiểm, từ sóng thần, bão tố đến cướp biển và bị đối xử thô bạo.

 

Trong thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị các lực lượng chức năng của Trung Quốc (hải giám, hải cảnh, ngư chính...) bắt giữ, bị đối xử thô bạo như đâm chìm tàu, thu lưới, ngư cụ, lấy hết nhiên liệu, phương tiện liên lạc, bị phạt tiền, thậm chí bị giam giữ… Gần đây nhất là vụ chiều 26/5, tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã cố tình đâm chìm tàu cá số hiệu ĐNA-90152 của ngư dân Việt Nam ở khu vực Nam Tây Nam, cách giàn khoan Hải Dương - 981 khoảng 17 hải lý...

 

DOC nghiêm cấm các bên tham gia ký kết đối xử vô nhân đạo với ngư dân ở trong tình cảnh hoạn nạn. Hành động của tàu cá Trung Quốc trong vụ việc trên là vô nhân đạo, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm DOC mà Trung Quốc là một thành viên ký kết, vi phạm luật pháp Việt Nam.

 

Không chỉ cố tình đâm 2-3 lần, làm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang thả trôi, các tàu cá của Trung Quốc còn không có một hành động nào để cứu nạn các ngư dân. Đây là hành động cần phải lên án!./.