Cắt đi nước ngoài, tiếp khách, dành 16.000 tỷ đồng cho Biển Đông

16:51, 02/06/2014

Thẳng thắn đưa ra ý kiến về vấn đề ngân sách, trong phần thảo luận ở hội trường sáng 2/6, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) mạnh mẽ đề nghị: “Quốc hội lần này trong nghị quyết phải thể hiện cho được chính sách "thắt lưng buộc bụng" bằng hành động. Tôi ủng hộ 16.000 tỷ đồng cắt để ủng hộ Biển Đông nhưng 16.000 tỷ đồng chưa đủ. Tôi đề nghị Quốc hội lần này cắt phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên mà không nằm trong lương và trợ cấp xã hội”.

Đại biểu Trần Du Lịch liệt kê: Những kiểu như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại… phải cắt, cắt tối đa.

 

Đại biểu Trần Du Lịch chia sẻ: “Tôi nói điều có thể mất lòng. Cử tri nói thế này: "Các anh đi lại thăm quan, học tập không biết kiểu gì nhưng chúng ta trả nợ miệng với nhau bằng tiền ngân sách của dân đóng thuế", chúng ta cắt được không? Chúng ta tự nhìn lại vấn đề này”.

 

Nếu thực sự thắt chặt chi tiêu, theo đại biểu Trần Du Lịch, chúng ta không phải chỉ dành được 16.000 tỷ mà còn nhiều hơn nữa để xử lý những vấn đề đang đặt ra. Để làm được điều này, đại biểu Du Lịch đề nghị phải thay đổi Luật ngân sách, thay đổi Luật tổ chức chính quyền địa phương để chúng ta tái cấu trúc tài chính công và hành chính công.

 

“Nếu không có vấn đề biển Đông thì đầu tư, chi tiêu, bội chi, nợ nần tôi không biết cái gì xảy ra trong vài năm tới. Chúng ta nhân đây phải làm mạnh mẽ về vấn đề này, thể hiện ngay trong nghị quyết kỳ họp này” – ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

 

Liên quan đến môi trường đầu tư nước ngoài, sự cố vừa rồi ảnh hưởng nặng nề hơn. Tất cả nỗ lực của ta tạo môi trường đầu tư vì những sự cố vừa rồi làm giảm đi rất nghiêm trọng. Chính phủ rất tích cực để chúng ta giúp cho các nhà đầu tư phục hồi, lấy niềm tin nhưng cái gì cũng phải cần tiền.

 

Đồng ý việc cần thiết phải dành 16.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư trên Biển Đông, Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) cho rằng: Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát, tạm dừng triển khai những dự án chưa thực sự bức xúc, chưa thật sự cần thiết, những dự án được cho rằng nhu cầu sử dụng dân sự được hình thành trong tương lai để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân.

 

Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng đề nghị xác định rõ trách nhiệm của hai lực lượng này phải chủ động nắm và kiểm soát được tình hình từ xa, nhất là kiểm soát tình hình láng giềng từ xa. Sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, sẵn sàng đập tan mọi âm ưu hành động của các phần tử xấu, tấn công, triệt phá có hiệu quả các loại tội phạm để giữ bình yên cho nhân dân. Quốc hội cũng cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản cho nông dân.

 

Bội chi, nợ công sao cứ mãi tăng?

 

Với cơ cấu thu chi thiếu tích cực như hiện nay, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, đang làm dấy lên nỗi lo về mức bội chi và độ an toàn của nợ công. Trong bối cảnh chính sách tài khóa ngặt nghèo, gánh nặng này một phần được đẩy sang tiền tệ và hệ thống ngân hàng. Đáng tiếc là với bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện hành, chính sách tiền tệ đang trở nên kém hiệu lực, hiệu quả, dù ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực, làm tốt nhất có thể. Trong bối cảnh như vậy, các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách lại đang đề cập đến gói giải pháp kích thích cả cầu đầu tư lẫn cầu tiêu dùng. Điều này vẫn cần thiết và bắt buộc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vì mục tiêu chung và dài hạn, nhất thiết phải thực hiện giải pháp căn cơ hơn là cải cách thể chế để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. “Thực tiễn đã chỉ ra nền kinh tế Việt Nam đang suy kiệt tổng lực để phát triển và cần phải có cải cách lần hai để tạo động lực phát triển mới” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

 

Cùng bày tỏ băn khoăn, lo lắng về tình hình quản lý ngân sách, Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên - Huế) băn khoăn và tâm tư “Khi thấy khoản nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đều tăng hàng năm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có biện pháp, giải pháp hữu hiệu để những năm tiếp theo các khoản nợ trên không tăng và giảm dần để đảm bảo tình hình an ninh tài chính của quốc gia”.

 

Sự bất ổn tình hình Biển Đông trong những ngày gần đây đang tác động bất lợi về tâm lý thị trường. Trong bối cảnh như vậy, theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), Chính phủ cần có quyết sách và biện pháp mạnh mẽ hơn để tăng tổng cầu, nền kinh tế theo cách triệt để dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều kiện lạm phát thấp, nhằm phấn đấu từ nay đến cuối năm phải đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

 

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị phải kiểm soát tốt chi tiêu ngân sách, ưu tiên chi quốc phòng, an ninh để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, bảo đảm an sinh xã hội. Quản lý chặt chẽ các nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản, có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, không tăng thêm bộ máy nhà nước khi ban hành các luật mới, giải quyết bội chi từ nội lực bằng cách thay vì vay nước ngoài chuyển sang vay trong nước nhiều hơn, lấy mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội làm cơ sở cho tái cấu trúc đầu tư./.