Đại biểu Quốc hội nhận xét về kết quả kỳ họp thứ 7

11:12, 24/06/2014

Sau hơn 1 tháng làm việc, hôm nay (24/6), Quốc hội khóa XIII bế mạc kỳ họp thứ 7. Quốc hội khai mạc kỳ họp này đúng lúc tình hình Biển Đông căng thẳng. Quốc hội đã họp bàn, có những giải pháp thích hợp, trong đó có việc quyết định để dành gói 16.000 tỷ đồng, bao gồm 10.000 tỷ đồng cho ngư dân vay ưu đãi tín dụng để đóng tàu vỏ thép và trang thiết bị liên quan phục vụ người dân bám biển. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua nhiều văn bản luật quan trọng, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước.

Theo đánh giá của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn T.P Hồ Chí Minh): “Đây là một trong những kỳ họp bình thường, với những nội dung vốn dĩ của nó là thông qua các Luật, báo cáo, tranh luận, chất vấn… tôi thấy khá tốt. Đặc biệt, phần tranh luận chất vấn có tăng lên, thẳng  thắn hơn. Tất nhiên chúng ta có những điều không hài lòng nhưng tôi thấy cơ bản là ổn”.

 

Là người mạnh mẽ ủng hộ việc Quốc hội cần ra một Nghị quyết riêng về vấn đề Biển Đông, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ: “Kỳ họp này có một điều chưa đáp ứng được. Thứ nhất, nhân dân, cử tri khi kỳ họp diễn ra cũng là lúc dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang nằm ở ngoài khơi trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ ngày càng hiếu chiến và trắng trợn. Thái độ của họ bất chấp luật pháp quốc tế. Nếu quốc hội lần này không ra được một tuyên bố hoặc Nghị quyết về vấn đề này thì tôi cho rằng không đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân, cử tri. Tôi nhận được nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kể cả cán bộ hưu trí và đương chức ủng hộ việc làm này.

 

“Ngoài ra, chúng ta không thông qua được Nghị quyết 35 (sửa đổi) về việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là một việc rất tiếc” – Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chia sẻ.

 

Tuy nhiên, với quan điểm khác, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) cho rằng: Đối với Biển Đông, ngay từ đầu, theo nguyện vọng cử tri, Đại biểu Quốc hội cũng thể hiện tinh thần dành sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề này. Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ báo cáo, có buổi thảo luận và ra thông cáo về vấn đề Biển Đông. Ngay từ đầu cũng có ý kiến cho rằng Quốc hội cần phải ra Nghị quyết riêng hay không? Theo quan điểm của tôi, lúc này Quốc hội chưa cần ra Nghị quyết riêng, nếu có thì chỉ cần ra Nghị quyết về vấn đề hỗ trợ cho ngư dân để bám biển, lồng vào trong Nghị quyết về kinh tế - xã hội. Vấn đề đó, Chính phủ đã chủ động bàn và trình Quốc hội và Quốc hội đã quyết rồi.

 

Còn việc Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm theo dự kiến ban đầu là sửa đổi và thông qua. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau nên Nghị quyết này chưa thông qua tại kỳ họp này, Đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng: “Quốc hội đã làm việc theo đúng tinh thần có tranh luận tại nghị trường chứ không phải chỉ có trao đổi. Qua đó, thấy được rằng, vẫn còn chưa đạt được sự đồng thuận cao. Nếu đưa ra để thông qua, tôi nghĩ rằng cũng được, nhưng tỷ lệ sẽ không cao, không chín. Đây thuộc về công tác cán bộ, công tác tổ chức nhân sự nên cần phải đạt được sự thống nhất cao. Không phải vấn đề ra nghị quyết mà thực hiện nghị quyết đó như thế nào mới là điều quan trọng. Quốc hội dừng lại để tiếp tục thảo luận, nghiên cứu cho kỹ hơn, chín muồi hơn để thông qua vào kỳ họp sau”.

 

Theo quan điểm của Đại biểu Đinh Xuân Thảo, việc dừng lại, chưa thông qua cũng như chưa sửa đổi Nghị quyết 35 thì Nghị quyết này vẫn có hiệu lực và không ảnh hưởng gì đến việc thực thi cuối năm nay Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2. Điều đó vẫn là hợp lý, thể hiện tinh thần làm việc của Quốc hội rất nghiêm túc, vừa dân chủ, vừa đảm bảo tinh thần xây dựng. “Hai vấn đề đó, tôi mong rằng cử tri vẫn tin tưởng, yên tâm với các quyết sách, thống nhất, nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã, đang và sẽ làm. Theo nguyện vọng của nhân dân, vấn đề bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia nhất quyết không để lợi ích của đất nước bị xâm hại” - Đại biểu Đinh Xuân Thảo nói.

 

Băn khoăn, trăn trở của đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) là những điều cử tri mong muốn, đòi hỏi ở các cơ quan có trách nhiệm từ Chính phủ tới các Bộ, ngành, nhiều khi đã được ghi nhận, hứa sẽ xem xét, giải quyết nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa được như mong muốn, nguyện vọng của cử tri.

 

“Bản thân Đại biểu Quốc hội là cầu nối giữa cử tri với Chính phủ, các Bộ, ngành, những nguyện vọng chính đáng của cử tri, qua các cuộc tiếp xúc, các kỳ họp nhưng việc xem xét, giải quyết thỏa đáng, quyền lợi ích hợp pháp hoặc bức xúc chưa được giải quyết triệt để” – Đại biểu Nguyễn Thái Học chia sẻ.

 

Đại biểu dẫn chứng, lâu nay chúng ta vẫn nói là “Nói đi đôi với làm”, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, trả lời chất vấn của các Bộ, ngành… nói thì phải làm và làm phải có hiệu quả. Thế nhưng thực tế chúng ta vẫn thấy có những việc nói nhưng chưa làm, hoặc làm chưa có kết quả. Ví dụ như công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, chúng ta nói là làm quyết liệt nhưng tình hình tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp. Chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Theo đánh giá của Chính phủ, Thanh tra, Viện kiểm sát Tối cao… thì tham nhũng chưa được ngăn chặn. Hoặc Quốc hội nhiều lần có nghị quyết khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản từ kỳ họp thứ 6, đến kỳ họp này, theo báo cáo của Chính phủ, tình trạng này không những giảm mà còn tăng. Điều này cử tri bức xúc, vì Quốc hội ban hành nhiều Luật nhưng Luật không đi vào cuộc sống thì không có ý nghĩa gì./.