Ngày 22/5/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) số 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh số 05 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ có thêm trên 300 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Để bạn đọc rõ hơn những nội dung mới của việc triển khai thực hiện chính sách này, phóng viên Báo Thái Nguyênđã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Minh Hảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Cơ quan Thường trực của tỉnh.
Xin đồng chí cho biết những điểm mới của Pháp lệnh số 05 ngày 20/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII so với Pháp lệnh năm 1994 quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”?
So với Pháp lệnh năm 1994, Pháp lệnh số 05 năm 2012 có 2 nội dung mới chủ yếu: Thứ nhất, Pháp lệnh số 05 mở rộng đối tượng được xét tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” bao gồm 5 trường hợp:
1. Có 2 con trở lên là liệt sĩ (Pháp lệnh năm 1994 quy định có từ 3 con trở lên là liệt sĩ).
2. Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (Pháp lệnh năm 1994 quy định “Có 2 con mà cả 2 con là liệt sĩ”).
3. Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ.
4. Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ (Pháp lệnh năm 1994 quy định Có 1 con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ).
5. Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên” (Pháp lệnh năm 1994 không quy định trường hợp này).
Việc mở rộng đối tượng được xét tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Thứ hai, Pháp lệnh số 05 quy định cụ thể hơn về chế độ ưu đãi đối với “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Những nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu về tiến độ triển khai thực hiện Nghị định 56/NĐ/CP đối với tỉnh Thái Nguyên là gì thưa đồng chí?
Sở Nội vụ đã chủ động, tích cực phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 28/4/2014 triển khai thực hiện Nghị định số 56 với 3 nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh các nội dung của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP.
2. Tổ chức rà soát đối tượng, lập hồ sơ xét duyệt, thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Thực hiện các chế độ ưu đãi đối với “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Kế hoạch cũng đề ra yêu cầu về tiến độ triển khai thực hiện Nghị định số 56:
- Trong tháng 5, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội và Sở Nội vụ đã ban hành hướng dẫn liên tịch về đối tượng, hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, thực hiện chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sở Nội vụ cũng đã tham mưu tổ chức xong Hội nghị cấp tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 56.
- Trong tháng 6, các huyện, thành phố, thị xã tổ chức hướng dẫn lập hồ sơ, xét duyệt hồ sơ và hoàn thành trình hồ sơ đề nghị tặng, xét tặng đối với những trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện trình Chủ tịch UBND tỉnh.
- Trước ngày 15/7/2014, các sở, ngành cấp tỉnh tổ chức xét duyệt, thẩm định hồ sơ và hoàn thành hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ .
- Tháng 9/2014 và thời gian tiếp theo, kịp thời tổ chức lễ phong tặng, truy tặng đối với “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” ngay sau khi có quyết định của Chủ tịch Nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Thực hiện các chế độ ưu đãi đối với “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Tiếp tục giải quyết các trường hợp còn vướng mắc.
Xin đồng chí cho biết rõ hơn về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 56 và trình tự, thủ tục đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”?
Triển khai thực hiện Pháp lệnh số 05 và Nghị định số 56 là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, nhằm ghi nhớ, tri ân, tôn vinh các bà mẹ đã có công lao to lớn đối với quê hương, đất nước, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 28/4/2014 của UBND tỉnh và Hướng dẫn liên tịch số 30/HD-NV-LĐTBXH ngày 21/5/2014 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ đã phân công trách nhiệm, hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện cụ thể đối với các cấp, các ngành có liên quan từ tỉnh tới cơ sở. Trong đó đồng thời với việc xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là giữa ngành Nội vụ và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; nhấn mạnh vai trò quan trọng của cấp xã và cấp huyện trong việc rà soát đối tượng, hướng dẫn các bà mẹ và thân nhân lập hồ sơ xét duyệt, tổ chức thẩm định hồ sơ, đảm bảo không bỏ sót các trường hợp đủ tiêu chuẩn, trình hồ sơ đề nghị tặng và truy tặng theo đúng tiến độ đề ra, nhất là đối với các trường hợp bà mẹ còn sống; sau khi có quyết định phong tặng và truy tặng của Chủ tịch Nước, phải thực hiện kịp thời các chế độ ưu đãi đối với các “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Xin cảm ơn đồng chí!