Sáng 3-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Các nội dung chính tập trung vào một số nội dung như trách nhiệm giám sát, lấy phiếu tín nhiệm, số lượng đại biểu chuyên trách và không chuyên trách...
Những nội dung sửa đổi chính
Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) gồm sáu chương, 112 điều.
Điều 1 của dự thảo Luật tiếp tục khẳng định vị trí của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXH Việt Nam như quy định của Hiến pháp và Luật hiện hành.
Quy định về chức năng của Quốc hội được sửa đổi theo hướng ngắn gọn, phù hợp với quy định tại Điều 69 của Hiến pháp, cụ thể là: Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được dẫn chiếu tới Điều 70 của Hiến pháp nhằm tránh trùng lặp.
Điều 5 về nguyên tắc hoạt động của Quốc hội được xây dựng trên cơ sở kế thừa nội dung tại Điều 4 tiếp tục khẳng định nguyên tắc làm việc của Quốc hội là làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số và hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Thể chế hóa quy định mới tại Điều 120 của Hiến pháp về việc làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, dự thảo Luật bổ sung một điều mới quy định về việc quyết định sửa Hiến pháp, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và thủ tục thông qua Hiến pháp. Theo đó, quy định cụ thể chủ thể có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp; Quốc hội quyết định thành lập, thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp; việc biểu quyết thông qua Hiến pháp và việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp.
Dự thảo Luật bổ sung một điều mới quy định về thẩm quyền giám sát của Quốc hội, chương trình giám sát của Quốc hội, các hoạt động giám sát của Quốc hội, hệ quả của hoạt động giám sát của Quốc hội.
Dự thảo đồng thời thêm một điều mới quy định những người giữ chức vụ nào được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Chương II gồm 21 điều quy định các nội dung liên quan đến đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Điều 39 của dự thảo Luật cơ bản vẫn giữ nguyên các quy định hiện hành về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội: đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước, thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Quy định các đại biểu Quốc hội ngang quyền trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội được bổ sung nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân của từng đại biểu Quốc hội, đồng thời khẳng định sự bình đẳng về địa vị pháp lý của các đại biểu Quốc hội.
Điều 42 và Điều 43 của dự thảo Luật đã có những quy định cụ thể hơn về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách để phân biệt rõ hơn địa vị pháp lý, vai trò và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, nhất là đối với đại biểu hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội và đại biểu hoạt động chuyên trách tại địa phương.
Dự kiến Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015 và thay thế cho Luật tổ chức Quốc hội số 09/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2007/QH11.
Tăng cường chức năng giám sát
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến, Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng, đoàn đại biểu Quốc hội phải có địa vị pháp lý và đặt trong mối quan hệ chính trị với địa phương. Trong thực tế, nếu trưởng đoàn đại biểu Quốc hội không phải là lãnh đạo tại địa phương sẽ không có thực quyền. Do đó, cần đưa vào Luật, thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước Đảng, trước dân.
Đại biểu Hiến cũng nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội không đơn thuần chỉ là người nhận và chuyển đơn kiến nghị của cử tri. Khi chuyển đơn kiến nghị của cử tri, đại biểu cần có quyền theo dõi giám sát, xem khiếu nại có được giải quyết không, rồi cần đưa ra ý kiến, đi đến kết luận cuối cùng, bảo vệ quyền lợi nếu thực sự chính đáng của cử tri.
Đại biểu Lê Văn Học, Lâm Đồng, góp ý về số lượng đại biểu chuyên trách. Tại một số ủy ban của Quốc hội, số lượng đại biểu chuyên trách lên tới 50 người. Nên cân nhắc con số này vì số lượng thành viên các ủy ban của Quốc hội chỉ nên ở mức vừa phải, hài hòa hai bên để các kỳ họp của các ủy ban tổ chức đúng theo luật.
Ngoài ra, đại biểu Lê Văn Học đề cập tới Điều 22 của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) quy định về lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị;
b) Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội;
c) Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.
Theo đại biểu Học, quy định lấy phiếu tín nhiệm khi có kiến nghị của ít nhất 20% số đại biểu Quốc hội (tương đương với khoảng 100 người) khó khả thi, hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc một ủy ban của Quốc hội. Trong thực tế, số lượng thành viên của các ủy ban của Quốc hội đồng ý có khi chỉ cần lên tới 12 người so với con số 100 đại biểu còn chênh nhau xa.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Hà Nội, bàn thêm về quy định đại biểu Quốc hội chuyên trách. Về điều kiện của Việt Nam quy định 35% là đại biểu chuyên trách. Trong ba, bốn khóa Quốc hội gần đây, số tuổi của đại biểu Quốc hội chuyên trách đều khác nhau. Do đó, nên quy định luôn trong Luật về tuổi của đại biểu chuyên trách.
Đại biểu Bùi Thị An, Hà Nội, đánh giá, sửa luật Tổ chức Quốc hội là tích cực, cần thiết theo các nguyên tắc. Thứ nhất là tuân thủ Hiến pháp. Thứ hai là phải phù hợp với các luật khác. Luật phải lấy đại biểu Quốc hội là trung tâm. Do đó, làm thế nào để đại biểu là trung tâm và thực sự là đại diện của dân, cần chú ý từ khâu giới thiệu, hiệp thương, dân bầu.
Theo chương trình, dự án Luật này sẽ được tiếp tục thảo luận tại hội trường ngày 16-6.