Nhịp cầu nối với Trường Sa

06:59, 05/06/2014

Từ một tháng nay, nhân dân cả nước luôn dõi theo những sự kiện thời sự quan trọng đang diễn ra trên Biển Đông. Cả nước hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, nơi biển Việt Nam “đang dậy giông bão”. Và từng giờ, từng khắc, những chuyến tàu của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn vươn khơi, làm nhịp cầu nối đất liền với biển, đảo quê hương.

Cũng ở thời điểm này (đầu tháng 6), trên một chuyến tàu ra quần đảo Trường Sa, có những người con của vùng đất thép Thái Nguyên. Được biết, trong đoàn công tác của tỉnh có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện, thị. Đều lần đầu ra Trường Sa nên ai nấy rất háo hức, dù có lúc mệt nhoài vì say sóng nhưng mỗi lần bước chân lên các đảo là mọi sự mệt mỏi tan biến, thay vào đó là những cái bắt tay nắm chặt không muốn rời. Đồng chí Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một trong các thành viên của đoàn Thái Nguyên cho biết: Có ra đảo mới hiểu được sự gian khổ, vất vả của các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc… Tôi hiểu, với mỗi người Việt Nam, khi được đặt chân đến Trường Sa, mảnh đất cực Đông của Tổ quốc, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng quật cường bay trong gió, chợt thấy hai từ Tổ quốc thật thiêng liêng, sâu nặng hơn trong trái tim mình. Trên hải trình này còn có đại diện của tuổi trẻ T.P Thái Nguyên. Đồng chí Phạm Thu Thủy, Bí thư Thành đoàn cho biết: Ra Trường Sa lần này, Thành đoàn chuyển đến các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây một chút quà của quê hương Thái Nguyên, chủ yếu là chè và một số vật dụng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, với tổng trị giá hơn 148 triệu đồng. Số tiền này được trích từ nguồn quỹ “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” do các đơn vị, ban, ngành trên địa bàn Thành phố quyên góp, ủng hộ Trường Sa...

 

Từng được theo tàu ra Trường Sa, tôi hiểu cái tâm lý háo hức của mỗi người trước khi lên đảo và lúc rời đảo. Đó là một tâm trạng nghẹn ngào rất khó diễn tả giữa những người lính canh giữ đảo và người trở về đất liền, dù mới kịp hỏi tên, còn quê chưa kịp nhớ mà bịn rịn, rưng rưng: “Biết bao giờ gặp lại nhau đây”! Nhớ dạo cuối năm 2011, chúng tôi theo chuyến tàu HQ-936 làm nhiệm vụ chuyển quân và hàng Tết ra quần đảo Trường Sa. Biết, trong chuyến đi này vào giữa mùa biển động, chắc chắn các cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên tàu sẽ gặp nhiều vất vả hơn. Vậy mà khi hỏi về hải trình dự kiến sẽ gặp nhiều giông gió, Thiếu tá Ngô Đức Dũng, Thuyền trưởng tàu HQ-936, Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) thản nhiên: Con tàu là nhịp cầu nối giữa đất liền với hải đảo, dù sóng lớn, bão dữ, chúng tôi luôn làm chủ Biển Đông để đưa con tàu đến nơi an toàn. Qua trò chuyện chúng tôi biết, Thuyền trưởng Ngô Đức Dũng từng có hơn 10 năm sống, làm việc trên tàu. Việc ra khơi gắn bó với cả phần đời trai trẻ, nên anh có nhiều kinh nghiệm khi chỉ huy con tàu giữa trùng khơi. Với anh, biển thân thuộc, gần gũi như quê hương mình. Vì thế trong mọi tình huống thời tiết, anh luôn bình tĩnh xử lý chính xác, bảo đảm an toàn cho tàu cập bến.

 

Sau hơn một giờ tàu chạy, tôi chỉ thấy mênh mông sóng cả, gió thét gào, lòng thầm nghĩ chẳng biết bến bờ nơi nao. Vậy mà con tàu vẫn đi đúng hướng về phía quần đảo Trường Sa, nơi phên dậu phía Đông của Tổ quốc. Như đoán được suy nghĩ của tôi, Trưởng ngành Hàng hải, Thiếu uý Phạm Viết Vinh giải thích: Trước đây, các cụ đi biển thường nhìn mặt trời mọc - lặn để chọn hướng. Về đêm thì nhìn sao trời cho tàu đi không lạc hướng. Nay, nhờ có công nghệ hiện đại, thuỷ thủ điều khiển tàu chạy bằng hệ thống định vị, la bàn, đồng thời kết hợp với kinh nghiệm hiểu biết về mặt trăng, mặt trời, sao đêm và luồng lạch của biển.

 

Vinh có vóc người cao lớn, cách trò chuyện chân thực, gần gũi. Đã nhiều năm cùng đoàn thuỷ thủ đưa tàu ra Trường Sa, nên anh rất thông thuộc những dòng hải lưu, bãi đá cạn mà tàu cần đi qua hoặc cần tránh. Anh tâm sự: Trước đây, tôi đã theo học ở Trường Đại học Giao thông Vận tải được 2 năm, sau đó do mê biển nên tôi chuyển sang theo học tại Học viện Hàng hải rồi về Lữ đoàn 162 công tác, gắn bó cuộc đời mình với những chuyến tàu làm nhịp cầu nối giữa đất liền với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc… Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi từng đợt sóng dồi. Dưới tầng 1 của boong tàu, cửa được đóng kín để sóng biển không trào vào. Từ boong trên nhìn xuống thấy nước biển trắng xoá, xô tràn lên boong mang theo những chú cá tinh nghịch. Phía mũi tàu nước biển như bị chẻ làm đôi, khiến những vi sinh vật phát quang nhào lộn hai bên sườn tàu. Có ai đó thảng thốt: Đẹp quá! Con tàu như đi giữa vùng ánh sáng của biển nước. Ở buồng lái, các thuỷ thủ chăm chú điều khiển con tàu trườn lên từng đợt sóng, hướng đến huyện đảo Trường Sa. Lúc hừng Đông thức dậy, mặt trời nhô lên khỏi mặt biển, mọi người ra boong tàu ngắm biển nhiều hơn, ai nấy cùng ngước lên cột cẩu của con tàu, nơi treo lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh bay phần phật trong gió, xúc động và thấy yêu Tổ quốc mình hơn. Chợt mọi người reo vui, vỗ tay tán dương khi thấy bên hông tàu từng đàn cá heo biểu diễn vũ điệu của biển cả. Hết đàn này tới đàn khác, từng đôi tung mình trên ngọn sóng để phô bày vẻ đẹp của loài cá gần gũi với con người. Với sự am hiểu về biển cả, Thiếu tá Trần Văn Thoan nói với tôi: Cá heo là loài vật thông minh, biết cứu người khi gặp nạn giữa biển. Không những thế, cá heo còn dự báo thời tiết sớm cho các thuỷ thủ, ví dụ như khi biển đang yên, cá heo xuất hiện là y như rằng ngày hôm sau biển động và ngược lại... Lúc đàn cá heo đi xa, những chú chim hải âu từ đâu đó dang cánh lựa gió như khoe tài với các thuỷ thủ về khả năng săn bắt mồi ngay cả trong bão biển.

 

Con tàu vẫn đè sóng đưa chúng tôi tới huyện đảo Trường Sa. Nhưng vì giông bão, biển động, để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, Thuyền trưởng Ngô Đức Dũng lệnh cho tàu chạy về đảo Đá Lớn, thuộc tuyến Bắc của huyện đảo Trường Sa để tránh bão. Kể từ đây, hải trình của con tàu thay đổi, với mục tiêu chính là bảo đảm an toàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ đổi quân cũng như chuyển hàng Tết cho cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đảo giữa đón Xuân Nhâm Thìn. Một số thuỷ thủ trò chuyện với chúng tôi: Đây là một trong những chuyến ra Trường Sa tàu liên tục gặp sóng dữ, hết bão lại áp thấp nhiệt đới, gió mùa tăng cường, cánh thuỷ thủ phải làm việc nhiều hơn. Thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chính uỷ Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác cho biết: Chuyến đi phải kéo dài thời gian hơn so với lịch trình dự kiến nhiều ngày cũng bởi biển động, Tàu liên tục phải neo đậu sau các bãi đá san hô để tránh bão… Có đêm, khi mọi người đã ngủ say, các thuỷ thủ như Lê Trọng Nghĩa, Vũ Tiến Quân, Trần Văn Thân... vẫn phải thức trắng, thay nhau chạy tàu trên biển để tránh bão.

 

Đêm không ngủ, bữa cơm thiếu rau xanh, nhưng các thuỷ thủ - những người lái tàu làm nhịp nối hải đảo với đất liền vẫn vô tư như chưa hề gặp khó khăn. Những khi rảnh, họ lại ra boong tàu cùng mọi người quăng câu bắt cá. Rồi lại lúc cúc chế biến, mời mọi người cùng thưởng thức đặc sản được lấy lên từ biển cả.

 

Việc đưa người từ tàu xuống xuồng hết sức nguy hiểm, sóng đẩy xuồng nhô lên sát mặt boong tàu rồi lại như dìm xuồng xuống cách mặt boong từ 1 đến 2 mét. Xuồng bị sóng dồi, dập dềnh đập vào thân tàu uỳnh uỵch, người lên, xuống xuồng sơ ý có thể bị kẹp dập chân hoặc ngã nhào xuống biển. Trên boong tàu và dưới xuồng, các thuỷ thủ phải tập trung sức hỗ trợ. Cạnh đó, một xuồng máy chạy lòng vòng để thuỷ thủ sẵn sàng lao xuống biển cứu người. Mỗi chuyến đổi quân, các thuỷ thủ phải thực hiện hàng chục chuyến xuồng đưa người ra, vào đảo.

 

Trong chuyến đưa đoàn công tác lên đảo Trường Sa Đông, kíp lái xuồng gồm Thuyền phó Trần Văn Biên, thuỷ thủ Trần Ngọc Bẩy và lái xuồng Nguyễn Quang Phong... Lúc các anh đưa chúng tôi vượt qua bờ chắn sóng vào bãi san hô, mọi người chưa kịp thở phào thì bất chợt xuồng bị gẫy chân vịt. Sóng từ biển dội vào, nâng chiếc xuồng lên cao rồi đập xuống. Trong lúc nguy nan, các thủy thủ Biên, Bẩy, Phong đã nhào xuống sóng dữ, dùng thừng kéo ghìm xuồng. Cánh phóng viên chúng tôi cũng định nhảy xuống giúp, nhưng các anh hét lên át tiếng sóng, không cho mọi người rời vị trí. Mất gần một giờ loay hoay trong sóng cả, mới cập bến an toàn. Khi lên bờ, nhìn các anh ướt sượt, tôi nói vui: Các anh là những thuỷ thủ Anh hùng. Bẩy vô tư bảo: Tôi có thâm niên lái tàu 20 năm rồi. Việc đó, chuyện nhỏ, bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam là thế anh ạ!

 

Bao năm rồi, các thế hệ thủy thủ của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, lớp sau kế lớp trước, từng đưa bao chuyến tàu vượt lên bão dữ cập bến an toàn, góp sức mình thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng: Giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để ngoài khơi xa, những chuyến tàu của ngư dân ta bình yên bám theo từng luồng cá. Để mỗi ngày mọi người đều thấy “Không xa đâu Trường Sa ơi”…