Phó Thủ tướng: Việt Nam không lệ thuộc bất cứ nền kinh tế nào

07:38, 13/06/2014

Chiều nay 12/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) hỏi:  Thưa Phó Thủ tướng, xin gửi tới ông 2 câu hỏi: Khi thảo luận tại hội trường về KT-XH nhiều đại biểu đã nêu nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc. Xin hỏi Phó Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập gắn với an ninh, quốc phòng, không lệ thuộc nước ngoài?

 

Thứ hai, trước diễn biến tình hình Biển Đông, Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, một số phần tử xấu đã lợi dụng biểu tình, gây bạo loạn, đập phá, cướp tài sản của DN, gây bất bình trong dư luận, làm mất lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam. Xin hỏi Chính phủ đã và đang có những giải pháp gì khắc phục hậu quả, ngăn ngừa các sự cố đã xảy ra, lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam?

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta thực hiện đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa. Đến nay, có thể nói chúng ta không phụ thuộc bất cứ nền kinh tế nào, tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh điều này. Tuy nhiên, trong thế giới phẳng, thì không thể độc lập hoàn toàn. Nhưng chúng ta có tinh thần xây dựng nền kinh tế chủ động hơn, ứng phó với các tình huống… Chính vì vậy, giải pháp đặt ra trước hết phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt chuyển đổi mô hình tăng trưởng từng bước nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

 

Chúng ta có thế mạnh thu hút đầu tư, thời gian tới cần thu hút mạnh mẽ hơn, có chọn lọc hơn, đặc biệt là các dự án có hàm lượng khoa học-kỹ thuật cao.

 

Thứ ba, nâng cao sức mạnh nội tại của nền kinh. Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN.

 

Các vị đại biểu cũng biết, làm gì thì vấn đề quan trọng là thị trường. Chúng ta có chủ trương mở rộng, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và xuất khẩu, phát triển nguyên liệu trong nước, phát triển thị trường nội địa.

 

Từ 2010, chúng ta đã đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường nào. Chúng ta có 6 hiệp định thương mại lớn. Sắp tới có thêm TPP, AFTA giữa Việt Nam với Nga, EU, Hàn Quốc. Đến 2015 có thêm 16 Hiệp định AFTA với 55 nước và vùng lãnh thổ… mở ra không gian rộng lớn cho thương mại phát triển đa dạng.

 

Chúng ta có chủ trương giữ quan hệ làm ăn, đầu tư, thương mại với Trung Quốc trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

 

Câu hỏi thứ hai của Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, làm sao lấy lại niềm tin sau những biến động vừa rồi. Chúng ta phải liên hệ trở lại nguyên nhân. Khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây bức xúc cho người dân; mâu thuẫn giới chủ- công dân; có tội phạm hình sự tham gia cướp bóc và có bàn tay chỉ đạo của kẻ xấu… Ngoài ra, còn có nguyên nhân điều hành, quản lý của chúng ta.

 

Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời lập lại trật tự nhanh chóng. Chúng ta đã tạm giữ hành chính gần 2 nghìn người; khởi tố 244 vụ và hơn 500 bị can với tội trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ. Chúng ta cũng đã bắt giam những kẻ cầm đầu.

 

Chúng ta cũng tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ DN như giải quyết vấn đề bảo hiểm tài sản, y tế, xã hội… Hỗ trợ những người lao động, thậm chí bổ sung lực lượng lao động cho DN.

 

Đồng thời, bổ sung một số chính sách mới như giảm thuế, giãn thuế, thuê đất, mặt bằng… nhất là các biện pháp về thủ tục hành chính. Ví dụ cấp phép đầu tư chỉ trong 1 giờ. Với những chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, các địa phương, ngay trong thời gian ngắn đã phục hồi 80-90%. Cách đây vài ngày, Bình Dương đã có 100% DN trở lại hoạt động bình thường. Chúng ta đang nghiên cứu có chính sách đầu tư thuận lợi hơn.

 

Điều đáng mừng là các nhà đầu tư đã yên tâm làm ăn ở Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan… đã quay lại làm ăn ở Việt Nam.

 

Đấy là những việc chúng ta đã làm để đạt lại niềm tin. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền rất quan trọng. Các lực lượng chức năng nắm bắt tình hình kịp thời, chủ động đảm bảo an ninh, an toàn DN, tạo môi trường đầu tư lành mạnh cho DN.

 

Việc vừa qua cũng là một kinh nghiệm tốt, cách xử lý nhanh tạo môi trường phát triển cho DN./.