Trong ngày làm việc thứ 23 kỳ họp thứ 7 (17/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Trước đó, ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Luật Doanh nghiệp 2005 dù được coi là bước tiến dài, giúp tăng sự bình đẳng cho các loại hình DN cũng như thu hẹp khoảng cách giữa quy định pháp lý của Việt Nam với quốc tế. Tuy nhiên, thực tế gần 10 năm áp dụng cho thấy, vẫn còn một số điểm quy định cần phải sửa đổi để đảm bảo tính chủ động cho DN cũng như sự chặt chẽ, phù hợp về kinh tế cho các giao dịch phát sinh của DN.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo), một trong những thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là đổi mới phương thức quản lý Nhà nước đối với DN trên nguyên tắc DN được quyền chủ động kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.
Để thực hiện được nguyên tắc này thì đòi hỏi danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng phải được xác định rõ ràng, cập nhật, công bố công khai để mọi DN dễ dàng nhận biết và thực hiện.
Do đó, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung Khoản 4 Điều 7 nhằm xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong tập hợp, công bố và cập nhật danh mục các ngành, nghề kinh doanh bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng do luật, pháp lệnh hoặc nghị định quy định trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước.
Về thủ tục thành lập và khởi sự kinh doanh, thuyết minh của cơ quan soạn thảo nhìn nhận, thực tế cho thấy những cải cách đơn giản hóa thủ tục thành lập DN theo Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 đã tạo ra bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, huy động vốn, phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng đóng góp cho ngân sách. Tuy vậy, xét theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mức độ thuận lợi trong thành lập DN và khởi sự kinh doanh vẫn thấp hơn chuẩn mực trung bình của quốc tế.
Vì vậy, Bộ KHĐT cho rằng cần phải sửa đổi Luật theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian đăng ký thành lập DN và khởi sự kinh doanh; kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký DN với các thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.
Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho hoạt động kinh doanh.
*Cũng trong chương trình làm việc hôm nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.