Tòa án giữ vai trò trọng tâm trong cải cách tư pháp

16:14, 01/06/2014

Mặc dù trong Hiến pháp năm 2013 chỉ có 5 điều quy định về Tòa án nhân dân (giảm 6 điều  so với Hiến pháp năm 1992) nhưng đã thể hiện sâu sắc, toàn diện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân trong công tác bảo vệ công lý của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa...

Kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 khẳng định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (khoản 3, Điều 102).

 

Theo thứ tự quyền lợi Tòa án nhân dân phải bảo vệ cho thấy, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rõ ý chí thượng tôn pháp luật, coi trọng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân, Nhà nước và sự trung thành của Tòa án nhân dân đối với công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Về mặt tổ chức, Hiến pháp năm 2013 không quy định cụ thể hệ thống Tòa án nhân dân các cấp như những bản Hiến pháp trước đây mà để luật định, làm cơ sở hiến định cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động tư pháp, phù hợp với yêu cầu của nhà nước pháp quyền (trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể thành lập Tòa án đặc biệt; thành lập thêm Tòa án nhân dân khu vực để củng cố sự độc lập trong xét xử). Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

 

Đồng thời, trong Hiếp pháp năm 2013, không quy định việc thành lập các tổ chức thích hợp ở cơ sở để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong nhân dân như Điều 127 của Hiến pháp năm 1992 mà để luật quy định. Về nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân, Hiến pháp năm 2013 đã sắp xếp, bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử để thể chế hóa chiến lược cải cách tư pháp, đảm bảo tính dân chủ, công bằng trước pháp luật giữa các tổ chức, cá nhân với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tư pháp.

 

Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia (trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn) cũng đã thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013. Tòa án xét xử công khai và chỉ xét xử kín trong trường hợp giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Để Tòa án nhân dân có đủ quyền năng thực thi, bảo vệ pháp luật, Hiến pháp năm 2013 quy định: Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm (Điều 103).

 

Theo giáo sư Trần Ngọc Đường, thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Hiến pháp 2013 thì văn bản pháp luật tối cao của nước ta đã trao quyền cho Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử theo quy định của pháp luật. Do vậy, pháp luật của đất nước giờ đây có được thực hiện nghiêm minh hay không phụ thuộc rất lớn vào Thẩm phán, Hội thẩm và các thành viên của Hội đồng xét xử…  

 

Kỷ cương pháp luật là nền tảng duy trì sự ổn định, tiếp tục đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới và để làm được điều này, chắc chắn tập thể cán bộ ngành Tòa án nhân dân các cấp phải có tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng của những người được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin giao giữ cán cân công lý.