Trung Quốc phải chấm dứt tham vọng chiếm cả biển Đông

08:02, 27/06/2014

Nguyên nhân chính dẫn đến tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Đông xuất phát từ chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc, dùng vũ lực để đạt tham vọng chiếm cả biển Đông. Tuy nhiên, các nước trong khu vực trong đó có Philippines và Việt Nam sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền vùng biển hợp pháp của mình, ông Rommel Banlaoi, Giám đốc trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia (CINSS) của Philippines nhận định như vậy tại hội thảo tổ chức ở Paris ngày 25-6.

Hội thảo "Bất ổn ở Đông - Nam Á và trên biển Đông" do Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng của Pháp và các nước khác về châu Á và khu vực Đông - Nam Á.

 

Trong bài tham luận "Tình hình an ninh ở biển Đông", ông Rommel Banlaoi, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường đại học Miriam, Giám đốc trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia (CINSS) của Philippines, đề cập đến sự "vươn dậy" của Trung Quốc có liên quan đến tình hình phát triển cũng như an ninh của khu vực Đông - Nam Á.

 

Ông nói: "Ban đầu, nhiều người mong đợi sự phát triển của Trung Quốc sẽ mang lại tác động tích cực cho khu vực và thế giới. Thế rồi, sự thất vọng, hoài nghi và lo ngại đã xuất hiện. Tình hình ngày càng đáng báo động khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt động thái gây bất ổn tại khu vực biển Đông, mới đây nhất là đưa giàn khoan cùng tàu chiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 

Các nước trong khu vực có nhiều hoạt động nhằm xây dựng một khu vực ổn định để phát triển và cố gắng giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại. Vậy mà gần đây, Trung Quốc liên tiếp tiến hành những hành động nhằm phục vụ mục đích cụ thể hóa tham vọng chiếm trọn biển Đông thông qua cái gọi là "đường lưỡi bò chín đoạn". Đầu tiên, Trung Quốc đã điều tàu gây rối các hoạt động của tàu tiếp tế của Phillippines đến bãi Second Thomas (Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

 

Tiếp đến vào ngày 2-5, Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam trước hành động xâm chiếm này vượt ngoài dự tính của Trung Quốc. Tinh thần yêu nước cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền vùng biển của người Việt Nam lan rộng khắp cả nước. Dù có một số vụ việc đáng tiếc xảy ra khi người biểu tình ở Việt Nam tiến hành phản đối tại một số nhà máy đầu tư của Trung Quốc, nhưng theo điều tra của Việt Nam thì có một số đối tượng đã lợi dụng tình hình để gây bất ổn.

 

Tháng 11-2002, tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Cam-pu-chia, các nước ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Vậy những gì Trung Quốc hành động trong thời gian gần đây đã đi ngược lại những gì nước này đã tham gia thỏa thuận là cam kết tuân thủ mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông - Nam Á, năm nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế.

 

Giáo sư Rommel Banlaoi (trái) và Giáo sư Marie-Sybille de Vienne (phải) đều cho rằng, hành động khiêu khích của Trung Quốc chỉ làm cho biển Đông bất ổn.

 

Theo bà Marie-Sybille de Vienne, giáo sư thuộc Học viện ngôn ngữ và văn minh phương Đông (Inalco), Trung Quốc đã chính thức ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chính Trung Quốc cũng nói là sẵn sàng ký Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Cam kết và tuyên bố là như vậy, nhưng thực tế Trung Quốc đã không tuân thủ những quy định của UNCLOS và từ chối công nhận cơ quan trọng tài quốc tế.

 

"Những diễn biến gần đây cho thấy, Trung Quốc sẵn sàng làm tất cả mọi việc để chứng tỏ rằng nước này đã là một cường quốc và không quốc gia nào ở khu vực Đông – Nam Á có đủ phương tiện để đáp trả lại. Trung Quốc đang chơi một trò chơi nguy hiểm khi bất chấp luật pháp và dự luận quốc tế. Đây thật sự là một hành động khiêu khích" - Giáo sư Marie-Sybille de Vienne nói.

 

Những hình ảnh vệ tinh về hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông được giáo sư Rommel Banlaoi đưa ra tại hội thảo đã cung cấp thêm thông tin về tham vọng của nước này. Không chỉ tiến hành các hoạt động khoan thăm dò, các tàu cá của Trung Quốc còn ngang nhiên đánh bắt cá trên các vùng biển của nước khác.

 

Để củng cố vị thế của mình trên biển Đông, Trung Quốc đã phá vỡ cam kết duy trì nguyên trạng ở Trường Sa và tiếp tục đưa ra kế hoạch đầu tư năm tỷ USD xây dựng đảo nhân tạo ở trung tâm biển Đông, đảo Gạc Ma - nơi Trung Quốc cưỡng chiếm bất hợp pháp của Việt Nam từ năm 1988, nhằm phục vụ cho mục đích quân sự để từ đó khống chế mọi hoạt động giao thương quốc tế trên biển Đông.

 

Những hành động gây hấn của Trung Quốc đã và sẽ gây ra nhiều vấn đề tiềm ẩn khiến cho tình hình an ninh trong khu vực ngày càng căng thẳng và có thể rơi vào cuộc chạy đua vũ trang. Các nhà nghiên cứu đưa ra nhận định như vậy tại hội thảo, đồng thời cho rằng EU cần có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn vì quyền lợi của EU về hợp tác kinh tế cũng nhưng các lĩnh vực khác tại đây rất lớn.

 

Trả lời những câu hỏi liên quan đến tình hình khu vực trong thời gian tới nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ. Giáo sư Rommel Banlaoi nói: "Nếu các nước không hành động kịp thời để ngăn chặn hành động độc chiếm biển Đông của Trung Quốc thì mọi việc sẽ quá muộn. Trung Quốc có thể đã có những kế hoạch đầy tham vọng để đưa thêm nhiều giàn khoan tới biển Đông cùng với lực lượng vũ trang để tạo nên "sự đã rồi" và từng bước chiếm trọn biển Đông".

 

Các nhà nghiên cứu của Philippines, Pháp và quốc tế cho rằng, tình hình an ninh trên biển Đông sẽ bị đe dọa nghiêm trọng hơn nếu Trung Quốc vẫn bất chấp luật pháp quốc tế để tiếp tục các hành động gây hấn. Chủ nghĩa bá quyền dùng vũ lực để đạt tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc sẽ không mang lại kết quả gì vì các nước trong khu vực sẽ quyết tâm làm tất cả để bảo vệ chủ quyền chính đáng. Những lời nói và hành động của Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã khiến cho các nước trong khu vực thấy rõ được đâu là lựa chọn đúng đắn để hướng tới. Chỉ có lòng tin và sự hợp tác vì hòa bình và phát triển chung mới đem lại lợi ích cho mỗi nước.