Không thể có chủ quyền bằng vũ lực

15:38, 08/07/2014

Trước những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc, Việt Nam đã có những bước đi phù hợp với luật pháp quốc tế để phản đối bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, những hành động thiện chí đó của Việt Nam đã liên tục bị Trung Quốc khước từ. Không những thế, Trung Quốc còn ngang nhiên gia tăng các hành động ngang ngược trên biển của Việt Nam, tiếp tục duy trì giàn khoan và các tàu bảo vệ, trong đó có cả tàu quân sự trên vùng biển của Việt Nam.

Nguy hiểm hơn, tàu Trung Quốc còn đâm va làm hư hỏng nhiều tàu chấp pháp của Việt Nam, đâm chìm cả tàu cá của ngư dân Việt Nam đang làm ăn hòa bình, hợp pháp tại vùng biển của mình. Cùng với những hành động ngang ngược trên biển, Trung Quốc còn ban hành bản đồ mới rất phi lý với đường lưỡi bò chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông, xâm phạm lãnh thổ của nhiều quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc cũng gửi lên Liên hợp quốc những tài liệu không có căn cứ pháp lý và lịch sử để tự khẳng định cái gọi là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) của Việt Nam là của Trung Quốc...

 

Trước những hành động sai trái, ngang ngược đó, ngày 3-7-2014, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Lê Hoài Trung đã tiếp tục gửi thư lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đề nghị lưu hành như là những tài liệu chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc (khoá 68) hai văn bản nêu rõ lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ các yêu sách không có cơ sở pháp lý và lịch sử của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo này.

 

Tài liệu của Việt Nam lưu giữ tại Liên hợp quốc công khai nêu rõ Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo này còn vô chủ (ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII). Tài liệu cũng đưa ra chứng cứ không thể tranh cãi cho thấy quần đảo Hoàng Sa không được giao cho Trung Quốc tại các hội nghị quốc tế trước và sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, như: Hội nghị Cairo (11-1943), Hội nghị hòa bình San Fransisco (8-1951), Hội nghị Geneva (1954). Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa trên thực tế là bằng các hành động vũ lực. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã đánh chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam cộng hòa khi đó đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh tại Việt Nam, Trung Quốc đã đánh chiếm nhóm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa và chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo này từ tay chính phủ Việt Nam cộng hòa. Với việc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế nên Trung Quốc không thể tạo nên chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và trên thực tế cũng không có quốc gia, tổ chức quốc tế nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

 

Theo luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở để đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là không thể tranh cãi và luôn được duy trì, không bị thay thế bởi sự chiếm đóng trái phép của Trung Quốc. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong khi tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 18-6 vừa qua đã khẳng định: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi.