Lạm dụng bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính đang là vấn đề gây nhiều bức xúc đối với người dân, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội.Trong Chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để giải quyết căn cơ vấn đề này nhằm phục vụ hiệu quả cho lợi ích của người dân và xã hội.
Lạm dụng bản sao có chứng thực gây tốn kém, bức xúc cho dân và xã hội
Trước phản ánh của người dân, đa số thông báo tuyển sinh, tuyển dụng đều yêu cầu các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực, thậm chí một số trường hợp mặc dù người dân đã nộp bản sao có chứng thực nhưng cán bộ công chức tiếp nhận hồ sơ vẫn yêu cầu xuất trình kèm bản chính để đối chiếu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, những thông báo như vậy là “chưa hoàn toàn đúng và chưa đầy đủ”. Theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ, khi thực hiện các thủ tục hành chính thì người dân có quyền lựa chọn: hoặc nộp bản sao giấy tờ đã có chứng thực hoặc mang bản chính và bản photo văn bản đó để người tiếp nhận hồ sơ đối chiếu, chứng thực bản sao nếu có yêu cầu chứng thực. Như vậy, đối chiếu với Điều 6 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP thì việc thực hiện chưa tốt, dẫn đến tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực, gây tốn kém chi phí và gây hiểu lầm cho nhiều người dân khi cho rằng bắt buộc phải có bản sao có chứng thực trong các hồ sơ làm thủ tục hành chính.
Về việc vẫn có một số cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục hành chính của người dân yêu cầu phải có “bản sao có công chứng” trong hồ sơ, trong khi lại bắt phải mang theo cả bản chính để đối chiếu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Trường hợp này là sai, vì theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ, bản sao có chứng thực được xem như bản chính, có giá trị sử dụng như bản chính, không cần phải đối chiếu lại với bản chính”.
Theo thống kê, ước tính có khoảng 100 triệu bản sao văn bản, giấy tờ các loại được chứng thực, gây tốn kém, lãng phí, bức xúc cho người dân và xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chia sẻ với lo lắng của những người tiếp nhận bản sao ở các cơ quan, tổ chức khi chất lượng chứng thực của nước ta còn chưa thực sự tốt lắm. Tình trạng tùy tiện trong chứng thực các bản sao vẫn còn và tình trạng giấy tờ giả trong xã hội không phải là ít nên người tiếp nhận hồ sơ muốn chắc chắn để khỏi có trách nhiệm sau này, nhất là những trường hợp có giấy tờ quan trọng.
Khắc phục thực tế này, Bộ trưởng cho biết, ngày 20/6/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính, và yêu cầu đến ngày 31/3/2015 việc chấn chỉnh đó phải xong.
Không chấp nhận bản photo của người dân mang đến để chứng thực là sai
Một trường hợp rất phổ biến khác hiện nay là, khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản của người dân, một số UBND cấp xã không chấp nhận các giấy tờ, văn bản mà người dân đã photo mang tới mà lại yêu cầu photo tại chỗ rồi thu tiền, sau đó mới tiến hành công tác chứng thực. Trước sự bất tiện này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ: “nếu người dân đã photo bản chính rồi mang đến chứng thực và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ phải tự kiểm tra, đối chiếu với bản chính và có trách nhiệm ký chứng thực bản sao. Việc không chấp nhận bản photo của người dân mang đến, mà yêu cầu người dân phải photo tại cơ quan mình thì về nguyên tắc là sai”.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng có thể thông cảm trong những trường hợp có những tài liệu rất nhiều trang giấy, phức tạp, chỉ cần sai một câu chữ, số liệu, dữ liệu nào đó cũng có thể dẫn đến trách nhiệm. Hơn nữa, có những thời điểm như mùa tuyển sinh vừa qua, cán bộ chứng thực thường bị quá tải công việc nên nhiều khi không đủ thời gian để đối chiếu bản sao với bản chính nên cán bộ tư pháp đành chọn giải pháp không chấp nhận bản photo của người dân, muốn tự photo để bảo đảm bản sao đúng như bản chính đang được yêu cầu chứng thực- Bộ trưởng chia sẻ.
Sẽ có qui định để giải quyết căn cơ việc “nhận diện” bản sao song ngữ
Về phản ánh của người dân, khi đến UBND xã yêu cầu chứng thực bản sao Bằng tốt nghiệp Đại học cùng Giấy khai sinh, nhưng chỉ được chứng thực Giấy khai sinh, còn Bằng tốt nghiệp Đại học phải đến Phòng Tư pháp để chứng thực. Giải thích về việc này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định, có thể Bằng tốt nghiệp Đại học do trường Đại học của Việt Nam cấp, nhưng lại có cả tiếng Anh, tiếng Pháp...Song, “do qui định pháp luật hiện nay về văn bản song ngữ chưa được rõ ràng, cụ thể lắm nên các UBND cấp xã rất ngại chứng thực các văn bản như vậy, mà thường “đẩy” lên cấp huyện” – Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng thông tin thêm, mới đây Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn chung cho các tỉnh nhận diện “văn bản song ngữ” là “văn bản bằng hai thứ ngôn ngữ đầy đủ các thông tin ở trong đó, do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài liên kết với Việt Nam cấp”. Những văn bản này sẽ do Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền chứng thực. Bằng tốt nghiệp Đại học trên thì không phải là song ngữ, mà hoàn toàn là văn bản Tiếng Việt. Khi cần chứng thực thì thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.
Bộ trưởng chia sẻ: “Hiện Bộ Tư pháp đang có đề nghị Chính phủ để đưa hướng dẫn đó vào Nghị định thay thế Nghị định 79/2007/NĐ-CP và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9 tới để giải quyết căn cơ các vấn đề để hoạt động chứng thực phục vụ hiệu quả cho lợi ích của người dân và xã hội” ./.