Ngày 15-7-1950, tại chiến khu Việt Bắc, đội Thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên được thành lập với hơn 200 người nhằm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, lực lượng TNXP đã góp phần cùng bộ đội chủ lực làm nên những chiến thắng lịch sử của dân tộc. Trong số hơn nửa triệu thanh niên đã gia nhập đội ngũ này, đến nay, vẫn còn 150 nghìn NGƯỜI chưa được hưởng chế độ chính sách, chiếm hơn 50% tổng số TNXP còn sống.
Những TNXP mở đường năm xưa đang rất cần sự giúp đỡ, động viên của mọi tầng lớp xã hội, bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát của họ.
Máu có thể ngừng chảy, đường không thể bị tắc Gia nhập lực lượng TNXP khi chưa tròn 20 tuổi, được phân về đơn vị 315 đội 65 tổng đội Nghệ An, chị Đinh Thị Lập đã có những năm tháng ròng rã đêm bám đường, ngày bám các điểm nóng, góp phần giữ an toàn cho các chuyến xe qua lại vùng tuyến lửa miền trung trong quãng thời gian chiến tranh ác liệt, từ năm 1965 đến 1970. Năm 1972, chị Lập trở ra Hà Nội làm công nhân xí nghiệp may mặc, với di chứng tai hại của căn bệnh sốt rét rừng, sức khỏe của chị đã hao mòn cạn kiệt.
Cầm cự tới năm 1980 chị Lập phải nghỉ mất sức vì thiếu điều kiện tiếp tục đảm trách nhiệm vụ. Côi cút giữa đời thường, không gia đình, con cái, không việc làm, chị Lập phải tự ngược xuôi xoay xở trong sự đùm bọc yêu thương của người thân, bạn bè, xóm giềng và cả những đồng đội cũ... Chị Đinh Thị Lập chỉ là một trong 150 nghìn TNXP, từng gửi gắm tuổi thanh xuân trong lực lượng năm xưa hiện giờ còn sống, mà chưa được hưởng bất cứ chế độ đãi ngộ nào. Có tới 10 nghìn TNXP và con cái họ bị phơi nhiễm chất độc da cam, từng giây từng phút giằng dai vật lộn với cuộc sống muôn vàn éo le khắc nghiệt cả về tinh thần lẫn vật chất. Tủi phận hơn là gần 1.000 nữ TNXP như chị Đinh Thị Lập, phải âm thầm, lặng lẽ đi nốt tháng ngày đơn độc quạnh hiu của cuộc đời. 64 năm qua, kể từ ngày đầu thành lập, đội TNXP công tác trung ương phục vụ chiến dịch Biên giới 1950, theo suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, theo tiếp cả những ngày khó khăn gian khổ dựng xây đất nước khi non sông liền một dải, lực lượng TNXP đã tạc thành biểu tượng sáng ngời của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, góp phần cống hiến quý báu vào thắng lợi huy hoàng, hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, thực hiện ước mơ của bao thế hệ người Việt Nam. Trong sự nghiệp chống nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lực lượng TNXP phát huy sức mạnh vô song, với những hoài bão và bản lĩnh của tuổi trẻ, đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tham gia các chương trình, dự án: phủ xanh đất trồng trọt, nước sạch cho nông thôn, sử dụng mặt nước, bãi bồi ven biển, ánh sáng văn hóa, dạy nghề, giới thiệu việc làm...
80% số TNXP thuộc biên chế ngành giao thông vận tải, bằng ấy ngày tháng, bằng ấy năm trời, trong hành trình giữ nước đầy đau thương mất mát và hào hùng, những người con gái, con trai đã hy sinh tuổi 20 của mình để bảo đảm cho các tuyến đường luôn thông suốt, cho những đoàn quân, những chuyến hàng luôn "thẳng tiến ra tiền phương" với phương châm trước sau như một: "Địch đánh, ta sửa ta đi", "địch phá ta cứ đi", "mở đường mà tiến, đánh giặc mà đi"... Công lao, tầm vóc của lực lượng TNXP được nhìn nhận, đánh giá ngay trong những thời khắc cam go nhất, lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang đối mặt muôn vàn thử thách. Năm 1968, dừng chân tại Hà Tĩnh trên chặng đường hành quân, chàng binh nhì pháo binh vừa tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội sau này là nhà văn Ngô Thảo, trong bức thư gửi về cho vợ và cô con gái bé bỏng ở hậu phương (vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành song ngữ Việt Anh với tên gọi Thư chiến trường) đã rưng rưng tha thiết: "Đoàn xe kéo pháo ra mặt trận băng qua những con đường rộng rãi, kéo mãi xa vào phương Nam.
Có rất ít quãng đường phẳng ở đồng bằng, hầu hết đều cheo leo lưng chừng núi, cua gấp bên vực thẳm, băng qua những làn đá, xuyên qua những khu rừng âm u, lượn trên những đỉnh cao mơ màng mây bạc.
Không chỉ thế, còn bom đạn quân thù. Anh đã qua nhiều con đường bom thù đào những lỗ sâu hoắm ở hai bên, những chiếc cầu nhỏ có hàng chục hố bom bên cạnh, những quãng đường độc đạo xác ô-tô cháy xám gãy gục, có chiếc còn bốc lửa đỏ rực và bị bốc cháy trong cuộc oanh tạc ban chiều. Dù vậy, đường vẫn thông suốt, xe chưa một lần nào bị lầy, sệ bên đường. Có đi qua con đường chiến lược đó mới thấy quyết tâm đánh Mỹ của Đảng ta lớn biết chừng nào. Ai là người thực hiện những công trình đó. Đội ngũ TNXP thường như theo anh, ta chưa đánh giá hết vị trí anh hùng của họ.
Nếu ai hỏi ý kiến anh trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, ai là đội ngũ dũng cảm, anh hùng nhất, anh sẽ không ngần ngại nói: TNXP. Họ đã thi công những con đường đáng lẽ làm 9 năm trong 3 tháng. Họ - những cô gái duyên dáng với đôi bàn tay có lẽ cũng mềm mại như tay em - đã bắt núi cúi đầu bắt sông nhường bước với khẩu hiệu: "Đường lầy lội là có tội với miền nam", "máu có thể ngừng chảy, đường không thể bị tắc" đã làm nên những công trình phi thường đó"...
Hy vọng vào cuộc tổng rà soát chính sách Trở về thời hậu chiến, cùng người dân cả nước, lực lượng TNXP tiếp tục phải va chạm cùng muôn nỗi gian khó thiếu thốn đời thường, thậm chí cả những thiệt thòi vì chưa được ghi nhận công lao thông qua chính sách ưu đãi người có công.
Mặc dù Đảng, Nhà nước, nhân dân, các ban, ngành đã nỗ lực mỗi ngày, luôn cải tiến không ngừng trong việc ban hành, áp dụng chính sách cho sát hợp với thực tế, nhưng vì các lý do cả chủ quan lẫn khách quan, cho đến tận thời điểm này, theo thông tin Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trong bài trả lời phỏng vấn Nhân Dân hằng thángsố 207 (tháng 7-2014) "Đại bộ phận số TNXP hy sinh, bị thương đã được xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi: gần năm nghìn TNXP hy sinh được xác nhận là liệt sĩ; khoảng 34 nghìn người bị thương được xác nhận là đối tượng được hưởng chính sách như thương binh; hơn 2.300 người hoạt động ở địa bàn đế quốc Mỹ rải đi-ô-xin và 1.600 con đẻ của TNXP hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học. Những trường hợp chưa được xác nhận do không còn giấy tờ, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28 ngày 22-10-2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Còn chế độ với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương được hưởng trợ cấp một lần, trường hợp sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Quy định này cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đặc thù đa phần là nữ của lực lượng TNXP, bởi với những lực lượng khác thì thời gian tham gia công tác phải đủ 15 năm trở lên mới được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng". Tuy nhiên, hành trình để được "xác nhận giấy tờ" với một bộ phận cựu TNXP đôi khi là những nhiệm vụ bất khả kháng, và nhiều người trong số họ đã có thể không còn kịp thời gian để chờ tới lượt mình.
Tới đây, theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ sẽ phối hợp các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiến hành cuộc "tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 - 2015".
Cựu TNXP là đối tượng hướng tới của cuộc tổng rà soát này và hy vọng sau các thống kê sát thực, những người làm công tác chính sách sẽ đưa ra các giải pháp hợp lý hợp tình hơn, để không còn bất cứ một người có công, một cựu TNXP nào phải chạnh lòng, ngậm ngùi vì mình chưa được đãi ngộ đúng theo quy định...
Tối nay (15-7), đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP (15-7-1950 - 15-7-2014), Bộ Giao thông vận tải phối hợp Báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Tri ân và chia sẻ" hướng tới các TNXP, trực tiếp phát sóng trên kênh VTV2. Đây cũng là dịp công đoàn giao thông vận tải ra mắt quỹ từ thiện "Đền ơn đáp nghĩa" của ngành, chung tay chăm sóc, san bớt gánh nặng cuộc sống cho cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quỹ sẽ trao tặng 200 nhà tình nghĩa, tặng 2.000 sổ tiết kiệm, với tổng số tiền là 22 tỷ đồng.