TS Nguyễn Nhã phân tích những hành vi vi phạm của Trung Quốc với luật pháp quốc tế, thỏa thuận song phương và ổn định thế giới khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, một trong những chuyên gia hàng đầu về Hoàng Sa-Trường Sa với bề dày nghiên cứu gần 40 năm, có những phân tích về những hành vi của Trung Quốc trong việc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và đe dọa hòa bình, ổn định thế giới khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã, năm 2009, Việt Nam đã nộp hai báo cáo quốc gia lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc về ranh giới thềm lục địa của Việt Nam ngoài 200 hải lý. Thực hiện quyền chu quyền của mình theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Trung Quốc tham gia Công ước Luật Biển năm 1982 từ ngày 7/6/1996. Từ thời điểm đó, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Công ước này. Bằng việc mời những công ty nước ngoài tham gia đấu thầu ở các lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam và ngày 2/5/2014 Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển, đảo của Việt Nam mà còn vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc với tư cách là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982.
Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông
Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là Tuyên bố DOC năm 2002). Trung Quốc và ASEAN khẳng định lại cam kết của mình tôn trọng mục tiêu và những nguyên tắc của Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế.
"Trung Quốc phải có nghĩa vụ tuân thủ những cam kết nêu trên. Trong các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc và những Hội nghị khác, đại diện Trung Quốc ở các cấp đều khẳng định tuân thủ Tuyên bố DOC năm 2002. Tuyên bố chung của các nguyên thủ và Thủ tướng các nước ASEAN và Trung Quốc về đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc thông qua tại Bali (Indonesia) ngày 8/10/2003 đã coi việc thực hiện DOC là một biện pháp trong hợp tác an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc", Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết.
"Với việc mời các công ty nước ngoài đấu thầu những lô dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam và nghiêm trọng hơn nữa là việc đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết của mình theo Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đặc biệt là cam kết không có hành động làm cho tình hình phức tạp thêm", Tiến sĩ Nguyễn Nhã khẳng định.
Trung Quốc vi phạm các cam kết theo các thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc
Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã, việc Trung Quốc mời các công ty nước ngoài đấu thầu những lô dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam và việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã đi ngược lại những cam kết trong Tuyên bố chung và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước.
Đó là Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 11/2011. Tuyên bố chung nêu rõ, trước khi tranh chấp được giải quyết dứt điểm, hai bên cùng gìn giữ hòa bình, ổn định trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp hóa, mở rộng tranh chấp, đồng thời hai bên nỗ lực thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đảo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Trong Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước ký ngày 11/10/2011, hai bên cam kết “nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng, những việc làm sai trái gần đây của Trung Quốc thực chất là để thực hiện hai ý đồ. Thứ nhất, biến các vùng biển của Việt Nam mà theo luật pháp quốc tế, hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp, thành vùng biển tranh chấp. Thứ hai, mở rộng tranh chấp trên biển giữa hai nước.
“Việc làm đó nằm trong một loạt hoạt động gần đây của Trung Quốc để thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và căng thẳng hơn. Việc Trung Quốc mời thầu và đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong các vùng biển của Việt Nam rõ ràng là phi pháp và hoàn toàn vô giá trị.
Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã.
Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa
Về Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã khẳng định, công hàm chỉ mang tính chính trị khi hai bên cùng là đồng chí đồng minh ủng hộ Tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai về lãnh hải 12 hải lý, không có giá trị pháp lý quốc tế về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi theo Hiệp định Genève mà Trung Quốc đã ký thì Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc chính quyền phía Nam quản lý chứ không phải thuộc quyền của lý của Chính phủ Miền Bắc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền Phía Nam mới có quyền tuyên bố từ bỏ hay không về chủ quyền.
"Đến sau ngày 30/4/1975, hai chính quyền Miền Nam và Miền Bắc đã hiệp thương đưa tới tổng tuyển cử có quốc hội và nhà nước Việt Nam thống nhất đã thừa kế những gì của Chính quyền Miền Nam Việt Nam trong đó có quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền Việt Nam thống nhất chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ chủ quyền, đặc biệt với Sách trắng 1979 đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với đầy đủ những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý quốc tế", Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói.
Sức mạnh của Việt Nam là nắm được chính nghĩa
Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã nhấn mạnh như vậy và khẳng định: “Sự thật lịch sử Hoàng Sa & Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và Việt Nam luôn tuân thủ luật pháp quốc tế từ việc chiếm hữu thật sự mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình, phù hợp với Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982”.
“Việt Nam có cơ sở để đưa Trung Quốc ra Tòa án Luật Biển và với chính nghĩa của mình thì phải thẳng kiện”, Tiến sĩ Nguyễn Nhã bày tỏ tin tưởng./.