Ngày 3/7 tại Hà Nội, Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) đã tổ chức Hội thảo khu vực về chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo tại các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
Hội thảo có sự tham dự của các Đại diện AICHR, chuyên gia đến từ một số cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc, đại diện các cơ quan trực tiếp chủ trì việc soạn thảo Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền và một số tổ chức chính trị, xã hội trong nước và khu vực.
Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động của AICHR trong thúc đẩy hợp tác ASEAN vì quyền con người; với những nỗ lực đó, tin tưởng AICHR sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào hoạt động hợp tác chung của ASEAN và việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN, hoạt động trên nguyên tắc coi con người là trung tâm, tôn trọng luật pháp quốc gia và các chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để đạt được điều đó, hợp tác ASEAN về quyền con người cần phải dựa trên các nguyên tắc và phương cách hoạt động đã được đề ra trong Hiến chương ASEAN và quy chế của AICHR, đặc biệt là thông qua thúc đẩy hợp tác, đối thoại xây dựng và chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực. Mong muốn AICHR tiếp tục nỗ lực thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên trong khu vực ASEAN trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phúc lợi của người dân trong Cộng đồng ASEAN.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đánh giá cao thành công của AICHR trong việc thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD), nhấn mạnh AHRD là văn kiện mang tính lịch sử trong hợp tác ASEAN về nhân quyền và trong quá trình xây dựng Cộng đồng chung ASEAN. Đây là văn kiện đầu tiên của khu vực, thể hiện cam kết chính trị của toàn khối trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản của hơn 600 triệu công dân ASEAN, phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc đã đề ra trong Hiến chương ASEAN.
Thứ trưởng cũng khẳng định việc tham gia các Công ước quốc tế, trong đó có các công ước về quyền con người, là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Tháng 11/2013, Việt Nam đã ký Công ước về chống tra tấn. Theo lộ trình cam kết, Việt Nam sẽ phê chuẩn Công ước về chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật trong năm 2014. Như vậy, Việt Nam sẽ là thành viên của 7/9 công ước quốc tế chủ chốt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền. Tháng 2/2014, Việt Nam cũng đã trình bày và đối thoại với các nước về tình hình đảm bảo các quyền con người trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền.
Thứ trưởng nhấn mạnh, ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ thực thi các công ước mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng triển khai thực hiện các quy định của các Công ước thông qua việc nội luật hóa, ban hành nhiều chính sách và chương trình quốc gia nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế, đồng thời nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo đối với tất cả các công ước mà Việt Nam là thành viên.
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ và cũng mong muốn được học hỏi thêm các kinh nghiệm tốt từ các nước khác, đặc biệt là trong việc xác định cách tiếp cận phù hợp, tối đa hóa các nguồn lực sẵn có và tăng cường sự tham gia hiệu quả, sâu rộng của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là của mỗi người dân.
Trong hai ngày Hội thảo, các đại biểu sẽ dành nhiều thời gian để trao đổi, chia sẻ thông tin cũng như những kinh nghiệm quý báu trong quá trình soạn thảo và trình bày báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền, đồng thời đưa ra những khuyến nghị thiết thực cho công tác đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trong khu vực ASEAN. Hội thảo cũng là cơ hội để tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các thành viên AICHR cũng như giữa AICHR với các cơ quan chính phủ của các nước ASEAN chịu trách nhiệm soạn thảo báo cáo công ước và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc.
Bên cạnh Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), Liên Hợp Quốc đã thông qua 9 công ước chủ chốt về nhân quyền gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (ICESCR), Công ước về chống phân biệt chủng tộc (ICERD), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD), Công ước về chống tra tấn (CAT), Công ước về quyền của người lao động di cư và các thành viên gia đình họ (CMW) và Công ước về chống mất tích cưỡng bức (CED). Sau khi gia nhập các công ước trên, mỗi quốc gia thành viên có nghĩa vụ báo cáo định kỳ 4 năm/lần. Việt Nam đã gia nhập ICCPR, ICESCR, ICERD, CEDAW, CRC và đang hoàn tất các thủ tục phê chuẩn CAT và CRPD.
Hội thảo này là một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Chương trình hoạt động năm 2014 của AICHR. Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định việc báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền là một hoạt động cần thiết, giúp đảm bảo và nâng cao công tác thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Thông qua hội thảo lần này, các đại biểu đã có những trao đổi thiết thực và toàn diện nhằm đúc kết những kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong việc soạn thảo báo cáo nói riêng và trong công tác thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới./.