Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về công tác Mặt trận

09:46, 07/08/2014

Chiều 6/8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ đóng góp vào dự thảo Văn kiện Đại hội thể hiện sự đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho công tác Mặt trận.

 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong nhiệm vụ lắng nghe nhân dân nói và nói cho nhân dân nghe, Mặt trận cần lắng nghe và nghe cho kỹ, cho thấu để chuyển đến Đảng, chính quyền một cách có theo dõi. Việc này đã có chuyển biến, 6 kiến nghị của Mặt trận đã có 9 bộ, ngành trả lời. Như vậy, bước đầu đã hình thành cơ chế nói có người nghe và có trả lời. Hiện nay, nhân dân tìm hiểu thông tin không chỉ trên báo chí mà còn trên các trang mạng xã hội. Mặt trận cũng đang suy nghĩ về việc cần thiết có một trang mạng xã hội để đối thoại với nhân dân. Bên cạnh đó, cũng quan tâm đến việc gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói của những người tiêu biểu trên các lĩnh vực, nghe tiếng nói của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…

 

Góp ý tại hội nghị, đồng chí Phạm Thế Duyệt, Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, nếu chúng ta làm tốt Đại hội VIII MTTQ Việt Nam thì sẽ có đóng góp tích cực cho Đại hội Đảng lần thứ XII. MTTQ là tiếng nói đại diện nhân dân, nhìn nhận tình hình đất nước, tình hình nhân dân chuẩn xác sẽ giúp Đại hội Đảng đánh giá thực chất tình hình. Do đó, Mặt trận phải phản ánh cho đúng, đầy đủ, rõ ràng tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ trong mối quan hệ giữa Đảng với dân, nhà nước với dân, cán bộ, hệ thống chính trị với dân.

 

Góp ý vào bài học trong báo cáo chính trị, đồng chí Phạm Thế Duyệt đặc biệt quan tâm phát huy dân chủ bởi đó là vấn đề sâu sắc nhất, dân chủ phải thể hiện trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong dân. Chỉ có dân chủ mới tạo được đồng thuận. Chỉ có đồng thuận mới có được hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Trong điều kiện hiện nay phải giữ bằng được uy tín của Đảng. Vì vậy, Mặt trận nên thêm cuộc vận động để góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.

 

Đồng tình với đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, Mặt trận cần nhìn nhận rõ sự đồng thuận, cũng như những phân tâm của nhân dân. Bởi Mặt trận chưa thể hiện rõ lắm vai trò của mình trong gia tăng đồng thuận và thu hẹp phân tâm. 5 năm qua, xã hội có nhiều đổi mới từ thành phần, tâm tư, cách sống nhưng Mặt trận vẫn hoạt động theo cách cũ nên không còn phù hợp. Hoạt động Mặt trận chưa đổi mới kịp với sự đổi mới xã hội. Phó Thủ tướng Vũ Khoan băn khoăn mối quan hệ giữa 46 tổ chức thành viên với Mặt trận còn khá lỏng lẻo, các tổ chức vẫn hoạt động khá độc lập, không liên quan nhiều đến Mặt trận. Đặc biệt rất đông các tổ chức khác mà Mặt trận chưa quy tụ được… Mặt trận cần thể hiện vai trò trong hiến kế và thể hiện đóng góp của mình đối với sự phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc, đoàn kết nhân dân.

 

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương lưu ý, bối cảnh tình hình hiện nay đặt ra một số vấn đề yêu cầu Mặt trận cần lắng nghe để chắt lọc những ý kiến cho Đại hội tới. Cần cải tiến phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên để không chỉ thực hiện phối hợp tuyên truyền, vận động mà phải tổ chức thực sự việc giám sát và phản biện trong đời sống xã hội. Đặc biệt, trong hiệp thương giới thiệu người ra bầu cử, Mặt trận lắng nghe ý kiến nhân dân đánh giá, nhận xét đội ngũ cán bộ công chức để giới thiệu cho đúng, trúng. Về mặt phản biện, Mặt trận dám phản bác những chủ trương không đúng theo nguyện vọng của nhân dân. Thực tế có nhiều chủ trương, chính sách không hợp lý và đó là “nguồn cơn” xáo trộn trong nhân dân, nhất là vấn đề đất đai.

 

Nguyễn Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, hoạt động Mặt trận trong thời gian qua có nhiều tiến bộ nhưng so với yêu cầu đặt ra thì chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều. Chúng ta phải đánh giá cho đúng tình hình cả trong và ngoài nước. Phải khẳng định được chúng ta đang đứng trước khó khăn trong giai đoạn mới. Do đó, chúng ta vừa phải chuẩn bị tư tưởng, tinh thần cho nhân dân vừa khắc phục khó khăn vừa vươn lên phát triển đất nước…

 

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn lưu ý, Mặt trận phải lắng nghe được tiếng nói và phản ánh được tiếng nói khác nhau của các tầng lớp nhân dân. Muốn làm được như vậy, Mặt trận nâng tầm hơn nữa, làm tốt thực sự vai trò nói được tiếng nói của nhân dân, phản ánh tiếng nói với Đảng, Nhà nước. Mặt trận đào sâu vào vai trò nhận xét, đánh giá, góp ý, phản biện xã hội. Trong đó phản biện phải thực chất và mạnh mẽ hơn nữa. Sau phản biện Mặt trận phải có cơ chế để đôn đốc những việc đã được chấp nhận…

 

Trân trọng ghi nhận những ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sẽ tiếp tục điều chỉnh văn kiện Đại hội theo hướng cô đọng hơn, trong đó cố gắng làm rõ cơ chế để Mặt trận đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; làm rõ sự đồng thuận trong nhân dân; làm rõ cơ chế phản biện và giám sát của Mặt trận…

 

Sau khi tiếp thu, tổng hợp những ý kiến tại Hội nghị, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam sẽ tập trung thảo luận để điều chỉnh dự thảo Văn kiện cho phù hợp để trình Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII vào tháng 9/2014./.