Quan điểm của Người, dùng người tài không đúng, công việc sẽ không chạy, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất trọng nhân tài. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, rất nhiều bậc trí thức, các học giả, kể cả giáo sỹ, quan lại, cho đến những ông vua đã thoái vị như Bảo Đại đã được Bác Hồ cảm hóa và vận động tham gia chính quyền cách mạng. Cách dùng người của Bác thể hiện thái độ trọng thị, tầm nhìn minh triết, lòng nhân ái bao la và tư tưởng đại đoàn kết cao cả. Gần 70 năm đã trôi qua, những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng người tài vẫn còn nguyên giá trị.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trên cương vị là Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một văn bản với tiêu đề “Tìm người tài đức”. Ngay sau đó, văn bản này đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp cho công bố trên báo Cứu quốc, nội dung có đoạn: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: văn bản đặc biệt này đã thể hiện tầm nhìn minh triết hiếm có của Bác với đội ngũ tri thức Việt Nam.
“Ngay cả trong thành phần Chính phủ đầu tiên, ngoài Việt Minh, Bác sử dụng nhiều trí thức có tên tuổi. Ngoài đại biểu Quốc hội Việt Minh Bác còn sử dụng đại biểu Quốc hội không đảng phái, thậm chí đảng phái không theo Việt Minh và cả những đảng phái Việt Quốc, Việt Cách nhưng họ là người có tài, những trí thức lớn tiêu biểu. Không chỉ là đại biểu Quốc hội, Bác còn bố trí họ làm thứ trưởng, bộ trưởng. Ngay cả trong tôn giáo, Bác đã mời cả các vị chức sắc trong Phật giáo, thiên chúa giáo tham gia vào chính phủ”, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo cho biết.
Luôn coi đội ngũ trí thức là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sau Cách mạng tháng Tám, Bác chủ trương: đào tạo trí thức mới, cải tạo trí thức cũ, công nông hóa trí thức, trí thức hóa công nông. Tất cả những trí thức Việt Nam đều tập hợp dưới lá cờ của Đảng. Rất nhiều bậc chí sĩ, trí thức tài cao đức trọng, các học giả, kể cả giáo sỹ, quan lại, khâm sai đại thần cho đến những ông vua đã thoái vị như Bảo Đại đã được Bác Hồ cảm hóa, thuyết phục và vận động tham gia chính quyền cách mạng.
Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn khẳng định: Những tư tưởng, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm kiếm, lựa chọn và trọng dụng người tài tiếp tục là nội dung được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
“Phải thay đổi chính sách, đặc biệt đối với đội ngũ trí thức, sử dụng người như thế nào, điều kiện làm việc ra sao và chế độ chính sách thế nào để họ tập trung, tâm huyết làm. Trong điều kiện hiện nay, đội ngũ trí thức càng có vai trò quan trọng, với mục tiêu để chống và giữ chủ quyền, xây dựng kinh tế thị trường như thế nào để dân giàu”, PGS, Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn đề nghị.
Đi đôi với việc tìm người tài, đức giúp ích cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết trọng dụng nhân tài, biết chăm lo phát hiện nhân tài, biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ. Dùng người tài mà không đúng, công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng. Có thể nói, quan điểm này của Người là bài học lớn trong công tác cán bộ của Đảng./.