Hôm nay 25-8, trời xanh thắm lạ thường, từng tia nắng vàng như rót mật. Từ sáng sớm, trên Quảng trường 20-8, T.P Thái Nguyên, từng tốp cựu chiến binh, lão thành cách mạng và bà con nhân dân đã có mặt để dự Lễ công bố quyết định đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Sự kiện ấy càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng vào ngày sinh lần thứ 104 của Người.
Hòa vào dòng người đi giữa cờ hoa tung bay rực rỡ, tôi bước đi từng bước chậm rãi, ngước mắt ra xa, dõi về phía Quảng trường với biết bao kỳ vọng vào một công trình có ý nghĩa lớn lao với nhân dân trong tỉnh và khu vực trung du miền núi phía Bắc. Tôi thấy một cán bộ tiền khởi nghĩa (hơn 90 tuổi) chân run run bước đi, dựa vào người con dẫn đường. Có anh bộ đội nở nụ cười lạc quan phơi phới. Em thiếu niên khăn quàng đỏ trên vai đôi mắt rạng ngời… Mỗi người một miền quê, một trang phục, một địa vị nhưng họ cùng có một điểm chung là sự kính trọng, biết ơn, yêu quý vô bờ đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ấy là sự xúc động và niềm vui lâng lâng khi mình đang đứng trên Quảng trường sẽ mang tên vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc.
Buổi Lễ bắt đầu trong không khí trang nghiêm tưởng nhớ về Người, rồi tất cả cùng hòa vào những ca khúc thể hiện tình yêu quê hương, Tổ quốc, hướng về biển đảo. Khán phòng chợt lặng im trong âm hưởng của bài hát Tướng quân Võ Nguyên Giáp: “Xứng danh người Anh Cả, trọn cuộc đời vì nước vì dân…”.
Ông Dương Kim Uyên (90 tuổi), cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên là lãnh đạo T.P Thái Nguyên hiện đang sinh sống ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) bồi hồi: Tôi luôn kính trọng Đại tướng bởi tài, đức song toàn, nhất là tấm lòng của Người luôn hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Người sống hết sức giản dị, gần gũi với nhân dân. Tôi thực sự vui mừng khi biết Quảng trường 20-8 được đổi tên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp.
Chung niềm xúc động, chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên Ban Dân quân tự vệ, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nghẹn ngào: Tôi thấy thật tự hào khi mình được sinh sống và làm việc ở địa phương có địa danh gắn với công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người từ trước đến nay tôi hết sức kính trọng, khâm phục.
Không chỉ ông Uyên, chị Hoa mà mọi người dân Thái Nguyên đều biết tên tuổi của vị Đại tướng đã gắn liền với những thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nhất là nhớ đến trang sử vàng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên: Cách đây 69 năm, ngày 20-8-1945, Đại tướng đã chỉ huy lực lượng giải phóng quân của ta từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến về giải phóng T.X Thái Nguyên khỏi áp bức của phát xít Nhật và chính thức công bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên. Quảng trường 20-8 không chỉ là nơi có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với Thái Nguyên mà còn là địa điểm ghi dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng. Hơn ai hết, mỗi người dân Thái Nguyên đều tự hào bởi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng đã nhiều năm sống và làm việc tại ATK Định Hóa, được chính quyền và nhân dân đùm bọc, che chở. Thái Nguyên cũng là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp vinh dự được Bác Hồ phong tặng quân hàm Đại tướng. Đại tướng đã coi Thái Nguyên là quê hương thứ hai của mình.
Khi xem phần trình chiếu thiết kế về công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp, tôi cũng như bao đại biểu có mặt đều mường tượng không xa nữa, công trình kiến trúc nghệ thuật lịch sử mang bản sắc văn hóa các dân tộc Thái Nguyên và của cả vùng trung du miền núi phía Bắc hoàn thành sẽ là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, giao lưu văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Các cơ quan, đơn vị được giao trọng trách xây dựng Quảng trường cũng đã thể hiện quyết tâm sẽ hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo kỹ, mỹ thuật.
Có mặt tại buổi Lễ từ rất sớm, con trai của Đại tướng, ông Võ Điện Biên khuôn mặt trầm ngâm, rưng rưng: Hôm nay, đúng dịp sinh nhật lần thứ 104 của cha, tôi và gia đình rất xúc động khi dự buổi Lễ này. Cảm động hơn trước tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên dành cho cha tôi với việc đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Hy vọng rằng, cùng với các địa danh khác của Thái Nguyên gắn với tên tuổi và công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước cũng sẽ biết đến đặc trưng của Thái Nguyên là có Quảng trường mang tên Đại tướng.
Đại tướng đã về với đất mẹ Quảng Bình nhưng hình ảnh vị Đại tướng oai phong lẫm liệt nhưng cũng rất đỗi bình dị, thân thuộc đã in sâu vào trong lòng mỗi người dân Thái Nguyên. Và tới đây, khi Quảng trường Võ Nguyên Giáp được xây dựng hoàn chỉnh. Công trình này sẽ là biểu tượng thiêng liêng để nhắc nhớ mỗi người dân về Đại tướng. Chúng ta có quyền tự hào bởi hình ảnh vị Đại tướng sẽ không chỉ có trong trái tim mà luôn hiện hữu nơi đất chè xứ Thái. Nhân dân Thái Nguyên đều đang kỳ vọng, Quảng trường sẽ được xây dựng nhanh chóng, đúng với thiết kế và mang phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống với không gian kiến trúc đặc biệt, là điểm nhấn về cảnh quan khu vực trung tâm thành phố.
Mỗi người dân Thái Nguyên hôm nay đều thêm phần tự hào vì đã thực hiện sự tri ân với người Anh hùng của dân tộc. Niềm tự hào đó sẽ là nguồn cổ vũ to lớn, là động lực quan trọng để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đoàn kết, phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.