Khẳng định tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn của bản Di chúc

10:41, 28/08/2014

Hôm qua 27-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại hội thảo, đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã phân tích, làm rõ tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn của bản Di chúc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn, GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất gắn liền với lịch sử vinh quang của Đảng ta và những trang sử oanh liệt trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trước khi về cõi vĩnh hằng, Người đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta bản Di chúc lịch sử, vô cùng giá trị. Di chúc là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Hội thảo là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn những nội dung trong Di chúc của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đồng thời nhìn lại chặng đường 45 năm thực hiện Di chúc của Người.

 

Xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh

 

Vấn đề xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều Người căn dặn trong Di chúc được các đại biểu tại hội thảo đặc biệt quan tâm. Các đại biểu khẳng định: Đây là vấn đề có tính chất sống còn đối với Đảng ta, bởi Đảng ta là Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của mình luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng.

 

Đề cập vấn đề này, PGS, TS Lại Quốc Khánh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, đoàn kết trong Đảng là nội dung quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng, nhân dân ta; là chỉ dẫn lý luận cực kỳ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Hiện nay, trước những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhằm ngăn chặn sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”.

 

Đồng quan điểm với PGS, TS Lại Quốc Khánh, GS, TS Mạch Quang Thắng - Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh: Thực hiện tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta cần phải thường xuyên tự đổi mới, chỉnh đốn. Bởi Đảng sẽ không giữ vững được địa vị lãnh đạo nếu quyền lực bị tha hóa; cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân chi phối. Để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, điều cốt yếu là phải tăng cường sự đoàn kết và thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng; thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

 

Chăm lo đời sống nhân dân lao động

 

Nhấn mạnh giá trị tư tưởng to lớn về chăm lo đời sống nhân dân lao động trong Di chúc, PGS, TS Lê Quốc Lúy, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh dẫn chứng hoàn cảnh lịch sử lầm than của đất nước ta trước năm 1945; đồng thời phân tích giá trị lịch sử, mang tính thời đại về quyết tâm “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Người quan niệm, nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Trong Di chúc, những lời Bác nói về nhân dân vừa chứa chan tình yêu thương, vừa rất tự hào. Chính vì vậy, Người chỉ rõ: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người đề cập công việc cụ thể, đến từng đối tượng, từng cảnh ngộ, thân phận.

 

Một số tham luận nhấn mạnh, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công đường lối đổi mới, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng, đời sống nhân dân được nâng lên. Chính sách miễn, giảm thuế cho nông dân theo Di chúc của Người từng bước được thực hiện, góp phần khoan thư sức dân, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội mở rộng sản xuất. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các đối tượng chính sách được Đảng, Nhà nước và xã hội hết sức quan tâm, tạo điều kiện về việc làm, ổn định đời sống sinh hoạt. Một số đại biểu kiến nghị, Đảng ta phải kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ tụt hậu giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới; tập trung giải quyết những vấn đề xã hội phức tạp.

 

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hết sức coi trọng vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng. Người xác định: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

 

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong văn kiện qua các kỳ đại hội của Đảng ta đều đề cập đến công tác chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Đảng ta luôn coi thanh niên là chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Hiện nay các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn luôn đặc biệt quan tâm công tác giáo dục chính trị, đạo đức, đào tạo nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên. Qua các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ đã xuất hiện nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” trong học tập, lao động sản xuất, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều tổ chức còn xem nhẹ giáo dục đạo đức, lý tưởng cho thế hệ trẻ; nội dung giáo dục kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật còn nặng tính hình thức, chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tế cuộc sống.

 

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

 

Đây chính là một giá trị tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển tải trong Di chúc. Trên thực tế, giá trị tư tưởng ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng linh hoạt, sáng tạo; nhất là trong những giai đoạn cách mạng Việt Nam “ngàn cân treo sợi tóc”. Theo PGS, TS Trần Minh Trưởng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì nội dung này chính là sự thể hiện sinh động, cụ thể tư tưởng về phát huy sức mạnh dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Thực tế, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối đối ngoại rộng mở, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

 

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta đã thực thi đường lối đối ngoại đoàn kết, mở rộng trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Nắm vững phương châm ngoại giao linh hoạt, theo nguyên tắc Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ đối ngoại với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới; tham gia tích cực với vai trò quan trọng tại Liên hợp quốc.

 

Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã làm rõ thêm cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng vĩ đại của Bác đối với cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Hội thảo khẳng định: Thực hiện tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân phải ra sức, nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, xây dựng, củng cố những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Những điều căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc thật giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Bản Di chúc trở thành tác phẩm bất hủ, bởi đó là những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại.