(TN) - Ai cũng biết Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chính sách, chủ trương... nhưng trong từng thời gian cụ thể, công việc cụ thể, muốn tăng cường sức chiến đấu của chi bộ đảng và tổ chức cơ sở đảng nói chung, điều quan trọng là phải tìm ra được khâu đột phá... Xin được kể câu chuyện sau đây:
Vào giữa năm 1977, khi mùa mưa ở Tây Nguyên đang trong giai đoạn đỉnh điểm nhất. Những trận mưa xối xả kéo dài 2-3 ngày, khiến cho các khu rừng già - nơi trú quân của các đơn vị quân giải phóng như nằm trên vũng nước. Trong điều kiện ăn uống kham khổ, môi trường sống âm u, ẩm thấp như thế, bộ đội ta ốm như ngả rạ, hầu hết đều bị sốt rét.
Một hôm, Tiểu đoàn bộ nhận được một cú điện thoại của Đại đội I, chỉ vẻn vẹn có một câu, giọng mệt nhọc: “Báo cáo các anh, Đại đội I đang có nguy cơ bị xóa sổ!" Đồng chí Chính trị viên (CTV) Tiểu đoàn - lúc ấy cũng đang lên cơn sốt, vội vàng kéo theo mấy anh em xuống đơn vị. Sau 30 phút len lỏi đường rừng, trước mắt chúng tôi là một cảnh tượng thật bi đát: Mấy chục chiếc võng nằm im lìm bất động, dưới những tán cây rừng già sũng nước mưa. Duy nhất còn đồng chí CTV Đại đội - cũng đang sốt, thất thểu như người mất hồn, đang vén từng chiếc võng của chiến sĩ lên xem. Thấy cán bộ Tiểu đoàn xuống, anh thều thào trong tiếng nói mệt nhọc: "Báo cáo các anh, chúng tôi không còn ai để nấu cơm cho đơn vị! Sờ đầu ai cũng đều nóng như lửa cả". Sau khi nắm tình hình, đồng chí CTV Tiểu đoàn quyết định cho họp Chi bộ. Hơn 10 đảng viên, được dìu đến lán chỉ huy. Đồng chí CTV Tiểu đoàn lúc này như quên mình cũng đang sốt! Anh nói, giọng xúc động: "Hãy cho phép tôi hôm nay được làm Bí thư của Chi bộ ta. Tôi được biết, từ tối hôm qua anh em ta chưa có chút gì trong bụng! Là cán bộ, đảng viên, chúng ta không được phép để tình trạng như thế! Trước mắt chúng ta có hai lựa chọn: một là chết, hai là phải vượt qua cơn hiểm nghèo này.
Tôi đề nghị tất cả đảng viên chúng ta (kể cả tôi) cùng cán bộ đại đội, trung đội, phải vượt qua cơn sốt để nấu cháo cho anh em. Bây giờ phải "ăn bằng đầu" (ý nói nghị lực) chứ không ăn bằng miệng (bởi, khi sốt rét người ta rất sợ ăn, cứ ngửi thấy mùi thức ăn là muốn nôn ọe). Cán bộ, đảng viên gương mẫu ăn trước và vận động anh em cùng ăn! "Phấn đấu ăn hết tiêu chuẩn gạo mỗi ngày" Đó là Nghị quyết của Chi bộ lần này! (tiêu chuẩn lúc đó, do vận chuyển khó khăn, mỗi người chỉ có 4 lạng gạo/ngày). Suốt hai ngày sau đó, CTV Tiểu đoàn ở lại đơn vị để thực hiện "nghị quyết" chỉ có đúng 9 chữ nói trên!
Những ngày tiếp theo, tình hình đơn vị có những thay đổi tích cực. Gạo chuyển vào đến chiến trường thường có mùi hôi bao tải rất khó chịu, người khỏe đã khó ăn, người ốm lại càng sợ. Anh em đã sáng tạo ra nhiều cách để ăn hết như: rang gạo cho hết mùi hôi và rấm rách ăn suốt ngày. Nghiền gạo ra làm bún, tráng bánh cuốn hoặc đổ vào ống nứa, nướng như thể ta nấu cơm lam... Nhờ vậy sức khỏe của bộ đội khá lên, dịch sốt rét bị đẩy lùi.
Nhớ lại chuyện cũ, ngẫm chuyện hôm nay vẫn thấy còn nguyên tính thời sự. Nếu Nghị quyết lãnh đạo mà cứ dàn trải cho hết đầu công việc, không lựa chọn khâu đột phá thì hiệu quả lãnh đạo sẽ rất thấp.