Chiều 20-8-1945, tại sân vận động thị xã Thái Nguyên đã diễn ra cuộc mít tinh lớn, Ủy ban khởi nghĩa chính thức tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền cai trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên. Gần 70 năm đã qua, phát huy truyền thống Anh hùng của vùng đất Thủ đô Gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc năm xưa, Thái Nguyên đã và đang có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng.
Ngược dòng lịch sử. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến mau lẹ, phong trào cách mạng trong nước phát triển rộng khắp. Trên cơ sở đó, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15-8-1945 đã đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”, vì vậy phải “kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, khẩn trương “đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập Ủy ban nhân dân ở những nơi làm chủ”, tất cả vì mục tiêu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Cũng tại Tân Trào, Bác Hồ chỉ thị phải gấp rút họp Đại hội đại biểu quốc dân. Lúc bấy giờ, cao trào kháng Nhật cứu nước đang cuồn cuộn dâng lên từ Nam chí Bắc. Toàn quốc đang mong đợi một Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam độc lập.
Trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, thị xã Thái Nguyên là một cứ điểm mạnh của địch, do đó việc giành chính quyền ở Thái Nguyên là yêu cầu cấp thiết để mở đường cho Quân Giải phóng tiến về Thủ đô Hà Nội. Ngày 16-8-1945, Mặt trận Việt Minh triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội quyết định: Tán thành lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc tuyên thệ quyết tâm hoàn thành sứ mệnh cao cả cứu nước, cứu dân, làm chỗ dựa cho nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sau lễ tuyên thệ, ba mũi Quân giải phóng tiến về ba hướng Tây, Nam, Bắc...
Cũng trong ngày 16-8-1945, Đội Việt Nam Giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tiến về thị xã Thái Nguyên, ngày 19-8 thì tới Thịnh Đán. Tại đây, Đội tập kết ở Chùa Đán, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã phổ biến kế hoạch tác chiến và giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Sáng 20-8, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy một mũi quân từ Chùa Đán tiến vào thị xã Thái Nguyên để bao vây, tấn công quân phát xít Nhật, giải phóng thị xã. Chiều cùng ngày, tại sân vận động thị xã đã diễn ra cuộc mít tinh lớn, Ủy ban khởi nghĩa chính thức tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền của địch, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó, ngày 19-8, lực lượng vũ trang và quần chúng ở các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ đã nổi dậy và chiếm được khu chủ sự Nhà Đèn (do thực dân Pháp xây dựng trước năm 1945, là nơi dùng máy nổ cung cấp điện cho thị xã Thái Nguyên, chủ yếu phục vụ cho bọn lính chiếm đóng thị xã). Ngày 20-8-1945, Nhà Đèn là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên truyền cho 60 lính bảo an đầu hàng. Trong thời gian chiến đấu giải phóng thị xã Thái Nguyên và các vùng lân cận (từ ngày 20 đến 23-8-1945), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chọn Đình Hàng Phố làm nơi đặt sở chỉ huy của lực lượng Quân Giải phóng, cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Đình Hàng Phố, khu chủ sự Nhà Đèn đã bị phá hủy trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, nhưng những cái tên ấy đã đi vào lịch sử và trở thành niềm tự hào của người dân Thái Nguyên…
Cùng với cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên, từ ngày 18-8-1945, nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam đã nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công - đây là 4 địa phương giành được chính quyền tỉnh sớm nhất trong cả nước. Đến ngày 28-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trên cả nước. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14 đến 28-8-1945), quyền thống trị, áp bức của bọn đế quốc (Pháp, Nhật) xây dựng trong suốt gần một trăm năm và chế độ quân chủ chuyên chế phản tiến bộ tồn tại hàng nghìn năm đã bị nhân dân ta lật đổ hoàn toàn. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thực sự thuộc về nhân dân.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bản Tuyên ngôn khẳng định: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy"…
Với Thái Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tự hào đã có những đóng quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu lịch sử năm ấy. Gần 70 năm đã qua kể từ ngày thành lập chính quyền cách mạng, phát huy truyền thống Anh hùng của vùng đất Thủ đô Gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc năm xưa, tỉnh ta đã và đang có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh luôn đạt trên 10% (năm 2014 dự kiến đạt trên 15%); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư mạnh mẽ, ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực và dần hoàn thiện hơn…
Đây chính là những thành tựu, tiền đề quan trọng để Thái Nguyên vững bước trên con đường phát triển và hội nhập, hoàn thành thắng lợi mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào trước năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.