Có những bài ca đi cùng năm tháng. Có những khoảnh khắc kỳ diệu của đất nước tạo nên lịch sử. Tháng Tám về đối với tôi là những cảm xúc không thể nào quên và những ký ức rạo rực của những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân với hình ảnh vệ quốc đoàn đội mũ lấp lánh năm cánh sao đang rầm rập tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn Thủ đô và cả những năm tháng hào hùng, đầy hy sinh gian khổ của cuộc kháng chiến cứu nước, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc…
Tôi cũng như bao người dân Hà Nội không thể quên những ngày đoàn người nô nức, tay trong tay say sưa hát vang bài ca "Mười chín Tháng Tám" của Nhạc sĩ Xuân Oanh. Một ca khúc ra đời trên đường phố, nhạc sĩ vừa đi cùng đoàn người vừa viết những lời ca khởi nghĩa. Những giai điệu tự thân bật ra từ những trái tim nóng bỏng. Cướp chính quyền theo lệnh tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng vạn người cuồn cuộn từ năm cửa ô tiến về; từ Quảng trường Nhà hát Lớn dồn tụ và tiến thẳng tới Phủ Khâm sai (số 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm) ngày 19-8-1945. Nhạc sĩ Xuân Oanh không thể ngờ bài hát của mình có sức mạnh cuộn trào đến thế: "Mười chín Tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung…". Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến quân ca vang lên, đại biểu Ủy ban Quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Với khí thế đại thắng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nhà Phủ Khâm sai. Chính quyền đã về tay cách mạng. Từ đây khởi đầu cho một đất nước thuộc về nhân dân ra đời.
Ngay hôm sau (20-8-1945), trước ngôi nhà này, tại vườn hoa Diên Hồng (nay là vườn hoa Con Cóc), Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ ra mắt, trước niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân Thủ đô. Và cũng chính tại ngôi nhà này, mọi người lại nô nức chuẩn bị cho việc làm lễ ra mắt Chính phủ lâm thời trước quốc dân đồng bào vào ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình theo kế hoạch đã định từ trước. Từ đó, ngôi nhà Phủ toàn quyền được đổi thành Bắc Bộ phủ, trở thành trụ sở của chính quyền cách mạng; đồng thời cũng là nơi Bác Hồ, rời từ địa chỉ 48 Hàng Ngang, về làm việc trong những ngày đầu tiên của Nhà nước Cách mạng non trẻ. Các chiến sĩ thuộc Vệ quốc đoàn và Tự vệ Hoàng Diệu được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ.
Nhưng chính quyền non trẻ của cách mạng đã phải đối đầu với nhiều thế lực phản động vây quanh. Đặc biệt là sự tráo trở của thực dân Pháp khi quay lại tiến công hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng từ trong trứng nước. Sau mọi điều đình bất thành, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng phát lệnh "Toàn quốc kháng chiến" vào ngày 19-12-1946. Đây cũng lại là một quyết định sáng suốt của Đảng và Bác Hồ nhằm giữ vững chính quyền nhân dân, phát triển lực lượng cách mạng. Lui về Chiến khu Việt Bắc, với mục đích trường kỳ kháng chiến, chờ thời cơ tấn công lại quân xâm lược, giải phóng đất nước.
Tôi có dịp quay trở lại di tích kháng chiến tại chùa Trầm, xã Phụng Châu, Chương Mỹ, nơi đã phát ra "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Bác Hồ, qua đài phát thanh bí mật tại đây. Ông Nguyễn Văn Củng, năm nay đã 80 tuổi, nguyên Bí thư chi bộ của làng Long Châu Miếu, nơi có di tích chùa Trầm, cho hay: Ngày đó lòng dân vô cùng hào hứng thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ. Lớp trẻ của làng náo nức đi theo kháng chiến, với khí thế hừng hực. Ông dẫn chúng tôi đến bên cửa hang chùa Trầm rồi nhớ lại, đây chính là trụ sở Đài Phát thanh của chính quyền cách mạng. Toàn bộ máy móc và phương tiện phát sóng được xây dựng trong hang rộng lớn này.
Ông Củng kể, khi Trung ương Đảng phát lệnh đọc "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến", mọi diễn biến được thực thi theo kế hoạch chặt chẽ. Đúng 8h tối 19-12, từ pháo đài Láng bắn một loạt đại bác khởi đầu cho một cuộc quyết chiến của những chiến sĩ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". 6h sáng hôm sau 20-12-1946, tại hang núi chùa Trầm, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi toàn văn lời kêu gọi kháng chiến lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua giọng đọc âm vang hùng hồn. Lời kêu gọi âm vang với sự khẩn thiết cháy bỏng:
"Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…
Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!".
Lời kêu gọi trở thành lời hịch của lịch sử tiếp nối truyền thống chiến đấu chống quân ngoại xâm của ông cha ta từ xưa đến nay. Lời kêu gọi ngắn gọn nhưng lại là kim chỉ nam cho công cuộc trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Lời lời vang xa, đất nước như sóng trào dâng trong công cuộc kháng chiến dài lâu. Ông Củng còn kể, trước khi cơ quan đầu não trở về An toàn khu, vào đêm 30 Tết Đinh Hợi (1947), Bác Hồ đã về hang núi Trầm, thăm Đài Phát thanh quốc gia và đọc thơ chúc Tết kháng chiến cho cán bộ chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Vừa tới nơi, Người vào phòng thu thanh. Trước máy, Người đã đọc bài thơ chúc Tết cho đồng bào cả nước:
"Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!".
Thực ra đây là sự phát triển cho "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" và khẳng định sự chiến thắng của cách mạng. Quả nhiên, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, đúng như tư tưởng của Người, quân dân cả nước đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lững lẫy địa cầu… Có thể thấy nội dung của "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" mang tính chiến lược và dự báo cao cho tương lai đất nước, chính vì vậy mà áng hùng văn này đã được Nhà nước công nhận là một trong 30 bảo vật quốc gia đợt 1 vào ngày 1-10-2012.