"Qua Đu tới Đuổm lên Trào, thêm dăm cây nữa là vào thủ đô"... Trên suốt dọc đường từ TP Thái Nguyên về huyện Định Hóa, câu ca dân gian ấy như thôi thúc, mời gọi chúng tôi về với Thủ đô Gió ngàn, nơi năm xưa (1947-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng từng ở, làm việc và lãnh đạo nhân dân ta làm nên chiến thắng "Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu". Để nay, những tên làng, tên đất đi vào sử xanh, cho đời đời cháu con Tiên - Rồng kế thừa mạch nguồn truyền thống cách mạng, cùng đoàn kết viết tiếp trang sử hào hùng, làm nên diện mạo mới trên quê hương Định Hóa.
Đồng chí Mông Đình Tinh, Chánh Văn phòng UBND huyện tự hào: Với huyện vùng cao Định Hóa, khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, hoạt động giám sát của HĐND, chỉ đạo linh hoạt của UBND cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tình hình kinh tế - xã hội của huyện được duy trì, phát triển ổn định, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Leo lên một mỏm đá nhọn sắc của núi Nản, nhìn xuống thị trấn huyện thấy phố xá vuông vức như ô bàn cờ. Từng dãy nhà tươi sắc đỏ mầu tôn lợp mái chống nóng. Nhìn những chiếc téc đựng nước bằng inốc, anh bạn người bản địa đưa đường giúp tôi lên núi Nản giải thích: Những chiếc téc cùng với tiện ích dùng chứa nước sử dụng cho bình tắm nóng - lạnh, mà đơn giản là trong sinh hoạt hằng ngày, người dân đã sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm kín đáo, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Anh chàng người bản địa có nhận xét thật sự tinh tế. Tôi nghĩ như thế rồi lật mở cuốn sổ tay. Có thể tóm lược lại bằng câu chung nhất: Hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm của huyện Định Hóa đều đạt và vượt nhiều so cùng kỳ năm trước. Thật không có gì vui hơn khi ATK Định Hóa, trong nhiều năm gần đây, số hộ nghèo năm sau luôn giảm hơn năm trước. Đến năm 2013, toàn huyện còn 22,72% hộ nghèo, giảm 2,09% so với năm 2012. Dự kiến đến hết năm 2014, huyện Định Hóa phấn đấu giảm thêm 4% số hộ nghèo so với năm trước.
Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc Ma Duy Vụ cho biết: Trong xóa đói, giảm nghèo xã gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp đều phụ thuộc vào tự nhiên, như cây chè, một trong những cây thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã, nhưng năng suất chỉ đạt trung bình 3,5 tấn/ha/năm. Trong khi đó năng suất chè trung bình toàn tỉnh đạt gần 90 tấn/ha. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo, như việc phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nghề thủ công cho nông dân; Hỗ trợ nông dân vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất; ứng phân bón trả chậm cho nông dân... sáu tháng đầu năm 2014, số hộ cận nghèo của xã đã giảm được 80 hộ.
Bữa trước về Điềm Mặc, tôi gặp các cụ lão thành cách mạng là: Ma Đình Thưởng (Bản Quyên), Ma Đình Bài (Thẩm Roọc 1) và cụ Trần Văn Kiến (Roòng Khoa). Ở tuổi lên lão, song các cụ còn minh mẫn lắm. Nhận xét về đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, chính quyền các cấp ở xã, cụ Thưởng, cụ Bài và cụ Kiến có chung câu trả lời: "Có trình độ, năng lực và dám làm, dám chịu trách nhiệm...". Truyền thống quê hương cách mạng Điềm Mặc vẫn được bồi đắp đang phát huy như thế: Năm 1947, khi về ATK Định Hóa lãnh đạo kháng chiến, Bác Hồ đã chọn ngọn đồi Khau Tí làm điểm dừng chân đầu tiên. Thời gian ở đây, Bác Hồ đã viết "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp". Cũng tại đây, Bác viết bài "Sửa đổi lối làm việc" với bút danh XYZ. Đồi Khau Tí, nay đã là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, con cháu trên mọi miền đất nước vẫn về đây thăm nơi Người từng ở và làm việc. Với người dân Điềm Mặc nói riêng, Định Hóa nói chung luôn đầy ắp niềm tự hào là những công dân được sinh ra trên miền quê giàu truyền thống cách mạng. Niềm tự hào ấy được thể hiện bằng tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
Trong lòng Thủ đô Gió ngàn ATK Định Hóa, từng tuyến đường bê-tông ngày thêm rộng, dài về những bản làng xa xôi. Thêm một tuyến đường về bản, làng, đồng nghĩa với cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đó giảm đi nhiều khó khăn; vùng đất ấy được "kéo lại" gần hơn với trung tâm huyện và Thủ đô Hà Nội. Cũng bởi hạ tầng cơ sở được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, cho nên các vùng đất một thuở nổi tiếng cả nước vì khó khăn, như Cà Đơ (Lam Vĩ), sản phẩm nông nghiệp của đồng bào làm ra đã có tư thương đến tận nhà hỏi mua. Nhớ hơn 10 năm trước đây, khi leo dốc lên Cà Đơ, nghe bà con nói vui: "Bà con trong bản nuôi con lợn, con gà lâu năm. Lợn, gà nuôi lâu quá, biết "nói tiếng người" mà chẳng thấy người dưới chân núi đến hỏi mua. Đành rủ nhau thịt ăn". Chuyện của ngày chưa xa, nay nhắc lại thấy có gì đó vừa vui, vừa đầy ngẫm ngợi. Theo lời Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Văn Lượng: "Xây dựng cho đồng bào con đường về bản làng, là một trong những cách làm hiệu quả, giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo nhanh nhất".
Từ quan điểm như thế, trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Định Hóa đã chỉ đạo cho các xã tổ chức thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn theo tinh thần: "Giao trực tiếp cho nhân dân thi công". Nguồn lực Nhà nước hỗ trợ bằng xi-măng, tỉnh phân bổ lồng ghép với các nguồn vốn Chương trình có mục tiêu hỗ trợ cho nhân dân. Kết quả năm 2013, chỉ với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ 29,515 tỷ đồng, cùng với xã hội hóa nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, các xã trong huyện đã xây dựng được 36,45 km đường bê-tông, trong đó có 32,13 km đường loại B, 4,32 km đường loại C. Với cách làm này, huyện Định Hóa đã tiết kiệm giảm mức chi phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng so cùng số km đường được làm như nhau.
Thêm một mùa thu về trên ATK Định Hóa. Cũng là lúc những người con của vùng quê cách mạng tự nhìn lại, rồi nhắc nhủ nhau mình đã làm được gì để tiếp nối mạch nguồn cách mạng cho quê hương.