Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp; Thủ tướng hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu

07:45, 26/08/2014

Chiều 25-8, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ma-nu-en Ba-rô-xô đang thăm chính thức Việt Nam, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Chủ tịch M.Ba-rô-xô bày tỏ vui mừng trở lại thăm Việt Nam và gặp lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau chuyến thăm chính thức Liên hiệp châu Âu (EU) của Tổng Bí thư tháng 1-2013; đánh giá cao những kết quả tích cực của Việt Nam trong việc hạn chế tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như việc Việt Nam tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Chủ tịch EC thông báo với Tổng Bí thư một số nét lớn về tình hình EU, EC; nhấn mạnh những nỗ lực của EU nhằm khắc phục những hậu quả của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực. Ðánh giá cao sự phát triển tốt đẹp quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - EU thời gian gần đây, Chủ tịch Ba-rô-xô khẳng định EC coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam, đánh giá cao vai trò điều phối viên của Việt Nam trong quan hệ ASEAN - EU. Chủ tịch EC khẳng định, EU mong muốn và đang cùng các cơ quan hữu quan của Việt Nam nỗ lực thúc đẩy để có thể phê chuẩn Hiệp định Ðối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong thời gian sớm nhất.

 

Hoan nghênh Chủ tịch EC M.Ba-rô-xô thăm lại Việt Nam, bày tỏ đồng tình với đánh giá của Chủ tịch Ba-rô-xô về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - EU, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chuyến thăm lần này của Chủ tịch EC đóng vai trò quan trọng trong quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và EU. Tổng Bí thư đánh giá cao những nỗ lực của EU và cá nhân Chủ tịch EC trong quá trình đưa nền kinh tế EU vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước phục hồi; mong EU sớm khôi phục đà phát triển, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống quốc tế. Ðề cập việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang tích cực tiến hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đánh giá cao thế mạnh của EU trong việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển và quản lý nguồn nhân lực. Tổng Bí thư cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực khác mà EU có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Tổng Bí thư chúc chuyến thăm lần này của Chủ tịch EC Ba-rô-xô thành công tốt đẹp.

 

* Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) M.Ba-rô-xô.

 

Chủ tịch EC Ba-rô-xô bày tỏ vui mừng đến thăm Việt Nam lần thứ hai và cho biết, mỗi lần thăm đều ấn tượng về sự phát triển năng động mọi mặt của Việt Nam. Chủ tịch EC cho rằng, thời gian qua, quan hệ song phương Việt Nam - EU đạt được nhiều thành quả quan trọng và khẳng định, EU luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam; hai bên còn nhiều cơ hội và triển vọng phát triển quan hệ. Nhấn mạnh mối quan hệ giữa EU và ASEAN mà Việt Nam là một thành viên đóng vai trò quan trọng tại khu vực, Chủ tịch Ba-rô-xô cho biết, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên nhất trí đánh giá Hiệp định khung về Ðối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) đã tạo cơ sở pháp lý để hai bên tăng cường quan hệ hợp tác thời gian qua. Về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, hai bên cũng nhất trí sẽ nỗ lực nhằm kết thúc đàm phán vào cuối năm nay. Chủ tịch Ba-rô-xô nêu quan điểm của EU là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp thông qua con đường ngoại giao, ủng hộ việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới, tôn trọng luật pháp quốc tế.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, chuyến thăm của Chủ tịch Ba-rô-xô là dấu mốc quan trọng, tạo đột phá trong quan hệ song phương thời gian tới. Chủ tịch nước đề nghị Chủ tịch EC Ba-rô-xô ủng hộ quá trình đàm phán Việt Nam - EU, đi đến ký Hiệp định thương mại tự do vào cuối năm. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt coi trọng vai trò của EU, tin tưởng hợp tác hai bên đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới. Chủ tịch nước cho rằng, quan hệ kinh tế, thương mại sẽ có bước phát triển vượt bậc khi Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên được ký. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng cần được đẩy mạnh.

 

Hai bên nhất trí về việc giải quyết các vấn đề phát sinh tại Biển Ðông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, tôn trọng an ninh, an toàn, tự do hàng hải quốc tế.

 

* Ngày 25-8, sau lễ đón chính thức Chủ tịch EC được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Chủ tịch EC M.Ba-rô-xô. Tham dự hội đàm, về phía Việt Nam có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và bên cạnh Liên hiệp châu Âu (EU) Phạm Sanh Châu; Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan. Về phía EU, có Ðại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Phranh Giét-xen và một số cán bộ cao cấp của EC và Phái đoàn EU tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Ba-rô-xô đã thông báo về tình hình kinh tế - xã hội và chính sách đối ngoại của mỗi bên, cùng trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trong các lĩnh vực, cũng như một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch EC trong bối cảnh hai bên đang tiến hành phê chuẩn PCA, thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán EVFTA và chuẩn bị kỷ niệm 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên (1990 -2015). Thủ tướng cảm ơn EC và các nước thành viên EU đã hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, duy trì viện trợ cho Việt Nam giai đoạn sau 2014 và đề xuất một số biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - EU, như EU sớm phê chuẩn PCA, linh hoạt và tính đến chênh lệch trình độ phát triển của Việt Nam với các nước thành viên EU trong đàm phán EVFTA, công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường đầy đủ khi ký kết EVFTA. Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của EU vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tham gia hợp tác Mê Công - Ða-nuýp trong khuôn khổ ASEM và khẳng định, với tư cách là nước điều phối viên quan hệ ASEAN - EU, Việt Nam ủng hộ sự tham dự sâu rộng hơn của EU vào cơ chế khu vực và sẽ nỗ lực thúc đẩy hướng tới xây dựng quan hệ Ðối tác chiến lược ASEAN - EU.

 

Chủ tịch EC M.Ba-rô-xô đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và bày tỏ tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách về kinh tế, tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư và doanh nghiệp các nước EU. Chủ tịch Ba-rô-xô bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam với EU, nhất là quan hệ kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển; bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN- EU; khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình.

 

Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; tăng cường tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh lâu dài tại thị trường của nhau; nỗ lực phấn đấu để kết thúc đàm phán EVFTA trước tháng 10-2014; tăng cường hợp tác chuyên ngành, nhất là trong các lĩnh vực EU có thế mạnh như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa - du lịch, thông tin - truyền thông, giao thông và xây dựng.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC M.Ba-rô-xô nhấn mạnh sự cần thiết duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Ðông. Chủ tịch EC khẳng định lại lập trường của EU ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Ðông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; kêu gọi các bên liên quan tránh các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC).

 

Kết thúc hội đàm, hai bên đã họp báo và ra Tuyên bố báo chí chung về chuyến thăm.