Về An toàn khu dưới chân Tam Đảo

09:49, 20/08/2014

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về xã Quân Chu, đây là nơi thành lập Đội tự vệ Cứu Quốc đầu tiên của huyện Đại Từ, cũng là nơi nhiều cán bộ cấp cao của Trung ương hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bởi thế, ngày 12-8-2011,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1379/QĐ-TTg công nhận Quân Chu là xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Về Quân Chu vẫn còn đây những địa danh cách mạng: Chùa Thiên Tây Trúc, nơi ăn, ở của nhiều chiến sĩ cách mạng; Lán Than, nơi chứng kiến sự ra đời của Đội du kích Quân Chu (sau này là Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái); Đền Quân Chu từng là nơi đón tiếp và làm việc của cán bộ cấp cao của Trung ương Đảng trong kháng chiến chống Pháp. Các cụ cao tuổi trong xã đã kể cho chúng tôi về niềm tự hào của người dân quê mình trong những tháng ngày đấu tranh gian khổ mà hào hùng ấy.

 

Ông Đặng Văn Quyết (78 tuổi), ở xã Quân Chu nhớ lại: Thời kỳ vận động cách mạng (năm 1942) tôi còn nhỏ, được các bậc cha chú kể: Do xã có vị trí thuận lợi, có dãy Tam Đảo, hiểm trở làm địa giới tự nhiên nương náu quân ta, dân cư sống tập trung, làng xóm tạo thành những địa thế đồn lũy phòng thủ. Bởi vậy, Quân Chu đã từng 3 lần đón cơ quan của Bộ Tổng Tư lệnh về trú quân và lập sở chỉ huy chiến dịch tại địa phương vào các năm 1948, 1949, 1950. Đặc biệt, cuối năm 1950, xã vinh dự được đón tiếp cơ quan Quân ủy Trung ương và đồng chí Võ Nguyên Giáp về chỉ đạo chiến dịch Trung Du tại chân thác Đát Ngao.

 

Lịch sử Đảng bộ xã Quân Chu (1946-2012) có ghi: Cơ sở Lán Than đã tập hợp được một số thanh niên trong vùng và thành lập ra Đội tự vệ do đồng chí Nguyễn Huy Minh phụ trách và sau này lấy tên là Đội du kích Tam Đảo - Quân Chu. Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào đã đi sâu vào các thôn xóm, tổ chức nên những hoạt động vừa bí mật, vừa công khai để tập hợp quần chúng, từng bước tiếp cận, vận động, khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân để nhân dân một lòng theo Đảng, theo cách mạng…

 

Về Quân Chu hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ nét cuộc sống tươi mới trên mảnh đất này: Đường liên thôn đã trải nhựa, 2 bên là những cánh đồng lúa xanh đang thì con gái, những ngôi nhà cao tầng nhấp nhô trong những vòm cây xanh. Đặc biệt, đến chợ Quân Chu vào đúng ngày họp, hàng hóa nông sản được bà con đưa ra chợ bày bán rất phong phú, nhiều nhất vẫn là sản phẩm chè, chè khô được đóng thành từng bao, chợ có cả nơi pha trà, thử trà để khách thử.

 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo xã Quân Chu, các đồng chí lãnh đạo xã cho chúng tôi biết: Quân Chu có 1.004 hộ, 3.900 nhân khẩu, trong đó có 63% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động bà con thực hiện tiêu chí thu nhập bằng việc phát huy thế mạnh của địa phương là đất rộng để trồng rừng, chè, lúa và chăn nuôi. Với 143ha đất nông nghiệp, hằng năm xã đưa từ 70-75% giống lúa cao sản vào gieo trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, nên năng suất lúa luôn đạt từ 55 tạ/ha trở lên. Nhờ vận động bà con tích cực trồng rừng, hiện nay toàn xã có 520ha rừng sản xuất, nhiều diện tích đã và đang cho thu hoạch. Những hộ điển hình trong phong trào trồng rừng như: Gia đình ông Nguyễn Văn Lệnh, xóm Tân Yên 2, có 12ha rừng; ông Lê Văn Hạ có 8 ha rừng…

 

Hiện, toàn xã có 168ha chè, trong đó có tới 70% diện tích chè cành cho năng suất và chất lượng vượt trội so với giống chè trung du. Nhờ phát huy tốt thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, những năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm. Không chỉ tích cực trong phát triển kinh tế, bà con trong xã sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của để  xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chương trình xây dựng NTM.

 

Chúng tôi về xóm Hòa Bình 2, ông Nguyễn Trọng Mai, Bí thư Chi bộ phấn khởi nói: So với trước kia, đời sống của bà con đã thay đổi căn bản. Hiện xóm có 86 hộ, 303 nhân khẩu. Những năm gần đây Nhà nước đầu tư nhiều công trình phúc lợi phục vụ cho chính chúng tôi, vậy nên không có lý gì mà chúng tôi không ủng hộ. Nói xong, ông Mai giở cuốn sổ ghi chép cho chúng tôi xem: Con đường thi công vào Chùa Thiên Tây Trúc, riêng ở xóm Hòa Bình 2 có hơn 40 hộ có đất phải giải tỏa, với hơn 2ha, gia đình nhà ông Mai đã hiến 1.700m2 đất, có nhiều gia đình khác cũng hiến với diện tích đất khá lớn như gia đình ông Lê Văn Quế hiến 2000m2 đất, gia đình ông Nguyễn Mạnh Phương hiến 1900 m2 đất…

 

Đến một số xóm khác như: Xóm Đền, Xóm Vang, xóm Hòa Bình 1, nơi có tuyến đường vào Khu du lịch Thiên Tây Trúc  dài gần 5 km đang được thi công, bà con nhân dân đều tích cực hiến đất để hoàn thành tuyến đường. Qua tiếp xúc với những người dân nơi đây, chúng tôi nhận thấy họ luôn ủng hộ với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn một lòng sắt son với Đảng với Bác Hồ.