Xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp: Xứng với tầm vóc, ý nghĩa lớn lao

16:01, 22/08/2014

Mới đây, tại Lễ trao giải đợt thi tuyển thiết kế kiến trúc cảnh quan Quảng trường Võ Nguyên Giáp do T.P Thái Nguyên tổ chức, đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dự và đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thành phố. Đồng chí cho rằng: Sự vào cuộc trách nhiệm của thành phố và các ngành liên quan sẽ góp phần giúp cho công trình Quảng trường mang tên Đại tướng sớm hoàn thành, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân…

Ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, Thái Nguyên: Quảng trường không chỉ là nơi có ý nghĩa lịch sử quan trọng với tỉnh mà còn là địa điểm ghi dấu ấn đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa quan trọng của các cấp chính quyền địa phương và của quần chúng nhân dân trong tỉnh. Bởi vậy, Quảng trường Võ Nguyên Giáp cần được đầu tư xây dựng sao cho tương xứng với những ý nghĩa quan trọng đó…


 

Một trong những người đầu tiên đề xuất đặt tên Quảng trường Võ Nguyên Giáp thay thế cho Quảng trường 20-8 trước đây chính là ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, Thái Nguyên. Và chính ông là người bảo vệ đến cùng ý kiến đó khi được tỉnh mời tham gia thảo luận về việc đặt tên tuyến đường, công trình công cộng mang tên Đại tướng trước khi HĐND tỉnh thống nhất thông qua. Ông cũng là người tích cực tham gia đề nghị mở rộng quy mô Quảng trường trên cơ sở bảo đảm đủ các yếu tố cả về giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc lẫn cảnh quan, môi trường và tính đại chúng. Theo ông, một công trình tầm vóc như Quảng trường Võ Nguyên Giáp thì phải hội đủ các yếu tố cần thiết nói trên.

 

Ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua (ngày 16-5-2014), UBND tỉnh đã chính thức công bố Quyết định đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp và giao cho T.P Thái Nguyên cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình. Trong đó, Thành phố có trách nhiệm chính triển khai các bước theo quy trình, bảo đảm tiến độ đề ra. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, nhưng cũng là trọng trách lớn lao mà tỉnh giao phó cho địa phương. Bởi vậy, ngay sau khi có chủ trương, thành phố đã bắt tay vào thực hiện các bước triển khai cần thiết với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

 

Ngày 25-8-2014, đúng dịp sinh nhật lần thứ 103 của Đại tướng, cùng với việc công bố Quyết định của UBND tỉnh về đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp, Thành phố cũng đã công bố Quyết định điều chỉnh Khu trung tâm thương mại, dịch vụ T.P Thái Nguyên, trong đó điều chỉnh lại quy hoạch Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Theo đó, quy mô, diện tích Quảng trường được đề nghị điều chỉnh theo hướng mở rộng đến sát bờ sông Cầu, lấy toàn bộ diện tích Vườn hoa Sông Cầu, giáp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Diện tích Quảng trường rộng trên 2ha, trong đó dành 0,9ha bố trí phần đường giao thông bên ngoài để bảo đảm an toàn khi tổ chức các sự kiện quan trọng.

 

Trước đó, UBND thành phố đã tổ chức đợt thi tuyển thiết kế kiến trúc cảnh quan Quảng trường. Trong 7 phương án thiết kế dự thi, Hội đồng chấm thi đã chọn được 2 giải Nhì và 1 giải Ba (không có giải Nhất) để trao. Các phương án thiết kế trên đều đạt được những yêu cầu cần thiết, để Quảng trường vừa là nơi tổ chức mít tinh, diễu hành, tổ chức các sự kiện quan trọng của Thành phố và của tỉnh, đồng thời còn có chức năng bảo đảm giao thông đô thị. Các thiết kế đều mang phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống với không gian kiến trúc đặc biệt, là điểm nhấn về cảnh quan khu vực trung tâm Thành phố. Hai đơn vị có tác phẩm thiết kế được trao giải Nhì đều là doanh nghiệp tư vấn uy tín của tỉnh. Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc Thái Nguyên và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Thái Nguyên.

 

Việc tổ chức thi tuyển thiết kế sẽ giúp cho thành phố có sự lựa chọn các phương án theo yêu cầu đề ra trước khi báo cáo tỉnh để công bố rộng rãi và xin ý kiến đóng góp của nhân dân. Cùng với đó, Thành phố cũng đã phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng clip 3D thiết kế cảnh quan, kiến trúc Quảng trường để mọi người có thể quan sát một cách tổng thể, chi tiết các hạng mục của công trình. Theo ghi nhận của các chuyên gia thì các phương án thiết kế trên đã hội đủ các yếu tố cả về lịch sử, kiến trúc lẫn cảnh quan môi trường.

 

Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, mở rộng Quảng trường cũng có một số ý kiến cho rằng không nên lấy toàn bộ diện tích Vườn hoa Sông Cầu. Tuy nhiên, theo đề xuất của các nhà tư vấn, thiết kế và mong muốn của đông đảo nhân dân về một công trình có quy mô, tầm vóc tương xứng với tên tuổi, công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, T.P Thái Nguyên đã đề nghị tỉnh phê duyệt quy hoạch Quảng trường gồm toàn bộ diện tích Vườn hoa Sông Cầu. Cũng có ý kiến cho rằng, như vậy thành phố sẽ không còn vườn hoa hay công viên trong nội thị, mất đi sự cân bằng cảnh quan đô thị? Về vấn đề này, người đứng đầu UBND thành phố, ông Lê Văn Tuấn cho biết: Thành phố đã quy hoạch và được phê duyệt 2 khu vực rất rộng để xây dựng vườn hoa, công viên bên bờ sông Cầu, gồm: Khu vực rộng 90ha thuộc địa bàn xã Đồng Bẩm và khu vực rộng 95ha thuộc xã Cao Ngạn. 2 vị trí này đều nằm sát bờ sông Cầu, có quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu về cảnh quan môi trường và cân bằng sinh thái trong khu vực trung tâm thành phố.

 

Tới đây, thành phố sẽ cùng với đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân đối với bản thiết kế kiến trúc cảnh quan Quảng trường để thống nhất báo cáo tỉnh cho phép lập Dự án đầu tư theo đúng quy định. Về kinh phí huy động xây dựng Quảng trường, theo tính toán sẽ tập trung vào hai nguồn chính là ngân sách địa phương và xã hội hóa. Trong đó, tỉnh và T.P Thái Nguyên chủ trương huy động nguồn đầu tư chủ yếu từ vận động tài trợ, ủng hộ, đóng góp của cộng đồng xã hội… 

 

Việc xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp là nhằm tri ân công lao to lớn của Đại tướng, thể hiện tấm lòng thành kính của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với người Anh hùng của dân tộc. Ngoài vấn đề mang ý nghĩa lịch sử, chính trị lớn lao, Quảng trường Võ Nguyên Giáp còn là công trình văn hóa tiêu biểu nằm trong quần thể các thiết chế văn hóa đặc sắc của tỉnh. Đây cũng là công trình phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn của tỉnh và trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân.