Bế mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

09:08, 11/09/2014

Sau ba ngày làm việc, chiều 10-9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã bế mạc. Trước đó, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thảo luận Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nội dung được các đại biểu tập trung góp ý là chính sách liên quan đến nhà ở công vụ. Nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách phát triển, quản lý nhà ở công vụ trong dự thảo luật nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho cán bộ được điều động, luân chuyển công tác, nhất là giáo viên, bác sĩ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác. Đây cũng là một trong những chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành. Tuy nhiên, theo đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), dự án luật cần có những quy định tạo sự công bằng trong chính sách về nhà ở, trong đó có nhà công vụ.

 

Đề cập vấn đề này, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị, cần quy định rõ đối tượng được ở và chế tài xử lý để tránh tình trạng gây dư luận không tốt như vừa qua; đồng thời tạo thuận lợi trong phân phối và sử dụng, tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, thời gian qua dư luận và cử tri phản ánh công tác quản lý nhà công vụ còn yếu kém, một số nơi không nghiêm, nhưng dự thảo luật vẫn thiết kế theo hướng thiên về những người có điều kiện, còn nhóm khó khăn hơn, nhất là người có công vẫn chưa được quy định cụ thể. Do vậy, cùng với việc mở rộng đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là người công tác tại các vùng khó khăn, cần thu hẹp phạm vi đối với những người được hưởng chế độ nhà công vụ tại các thành phố.

 

Một số ý kiến đề nghị, chính sách nhà ở công vụ nên tập trung vào một số đối tượng như lãnh đạo cấp cao cần bảo vệ an ninh, cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa và không nên bao cấp cho những đối tượng khác. Các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề nghị, Chính phủ cần tổng kết, báo cáo Quốc hội về thực trạng quản lý, sử dụng nhà công vụ thời gian qua để các đại biểu nắm rõ và có hướng sửa đổi Luật Nhà ở cho phù hợp.

 

Thảo luận Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ý kiến phát biểu tán thành với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ một tháng đến dưới 3 tháng. Đồng thời tán thành quy định từ ngày 1-1-2018 áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động.

 

Liên quan đến mức hưởng lương hưu hằng tháng, một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện tuổi về hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, cần giảm tối đa các tác động bất lợi đối với người lao động về hưu. Việc thực hiện quy định về mức hưởng lương hưu hằng tháng phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH, để bảo đảm tiền lương hưu của người lao động thực chất nhận được không bị sụt giảm nhiều so với trước đó.

 

Nhiều ý kiến tán thành với các quy định theo hướng mở rộng đối tượng và khuyến khích người dân tham gia đóng BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, bên cạnh việc mở rộng đối tượng tham gia đóng BHXH tự nguyện, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân có thu nhập từ mức trung bình trở xuống trong việc đóng BHXH tự nguyện.

 

Phát biểu ý kiến bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội nghị, khẩn trương hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.