Có một thời điểm để chúng ta lắng lại suy ngẫm, rồi tiếp tục hành trình với tâm thế mới, chính là lúc này, sau 45 năm Bác Hồ ra đi, để lại bản Di chúc bất hủ.
Đại tá Tạ Chu, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh (số nhà 15, tổ 5, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên) đón tiếp tôi bằng một chồng sách “gối đầu giường” của ông. Đó là các cuốn: Thép đã tôi thế đấy; Những điển hình học và làm theo Bác; Kể chuyện Bác Hồ; Hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ và đặc biệt là cuốn “Bác Hồ viết di chúc”... được ông lưu giữ trong tủ sách gia đình. Nâng cuốn “Di chúc Hồ Chí Minh” trên tay, ông bảo: Tôi đã đọc những dòng chữ này đến thuộc lòng, càng đọc càng thấm thía những điều Bác dặn.
Trở lại những ngày tháng 9 của 45 năm trước, khi ấy anh bộ đội Tạ Chu trong đơn vị binh khí kỹ thuật dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng (Tiểu đoàn 8 Pháo cao xạ). Sau một thời gian là đơn vị “B dừng” làm nhiệm vụ bảo vệ Ngầm 42, Ngầm Sê Sụ, Đèo 32 thuộc Binh trạm 37, Đoàn 559, mùa mưa năm 1969, đơn vị rút về Nga Sơn (Thanh Hóa) để củng cố. Sáng 4-9, có việc sang Trung đội chỉ huy của Tiểu đoàn, ông thấy Trung đội trưởng Nguyễn Như Tiếp đang áp tai vào chiếc đài, nét mặt vô cùng căng thẳng. Ông Chu hỏi giật giọng: - Có chuyện gì vậy? - Bác Hồ mất rồi - ông Tiếp thì thào. “Tôi cũng áp tai vào đài nghe. Trên đài đang phát đi bản thông báo đặc biệt của Ban Bí thư TW Đảng. Thật rồi. Tôi bàng hoàng ngồi phịch xuống đất, nước mắt trào ra.” Ông Chu nói.
Là trợ lý thông tin, ông Chu được cấp trên giao nhiệm vụ ghi lại bản tin của Thông tấn xã Việt Nam phát đi bằng tín hiệu morse, khớp với bản tin đọc chậm ghi lại do Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi để có được văn bản chỉ đạo chính xác nhất của cấp trên. Ông tư lự: Đó là thời điểm khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lại thêm nỗi đau Bác mất khiến tôi không khỏi lo lắng, nhưng rồi tự nhủ mình phải quyết tâm vượt qua. Tôi đã viết trong nhật ký thế này: “Ta hãy tu luyện cho mình trở thành người có đạo đức trong sáng hơn, nghĩa là thật sự Trung với Đảng, Hiếu với Dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; khiêm tốn, giản dị. Đó chính là nhớ ơn Bác Hồ”.
Tháng 10 năm đó, đơn vị của ông được lệnh kéo pháo trở lại chiến trường, làm nhiệm vụ bảo vệ các trọng điểm thuộc Binh trạm 41, Binh trạm 42, Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đoàn 559 (ở tỉnh Savanakhet và Salavan), như: ngầm Tà Beng, cụm kho Trung chuyển, M1, E14, dốc 28, ngã ba La Hạp, đường B45 vào Trị Thiên. Liên tiếp sau đó, Chiến dịch đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Nguyễn Huệ, Chiến dịch Quảng Trị, rồi đến Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, chiến thắng càng về sau càng lớn, ccàng ròn rã. Buộc đế quốc Mỹ phải rút quân về nước. Đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn bị lật nhào. Xuân 1975 toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Khẳng định đường lối sáng suốt của Đảng; đội ngũ cán bộ được Bác đào tạo đã kế tục sự nghiệp của Bác và biến niềm mong mỏi của Người thành hiện thực.
Sau khi rời quân ngũ, ông Tạ Chu được nhân dân và các cựu chiến binh tín nhiệm giao cho các chức vụ: Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường; Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh các cấp: phường, thành phố và tỉnh. Cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt vai trò của mình, có được lòng tin của hội viên và nhân dân. Lắng lại trước Di chúc của Bác, ông tâm sự: Suốt bấy nhiêu năm, điều cần khẳng định là đường lối của Đảng rất đúng đắn, đó là kiên định một Đảng cầm quyền, kiên định lập trường và vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Nhưng trong quá trình triển khai, do trình độ và chủ nghĩa cá nhân, một số không nhỏ cán bộ của ta còn làm những điều không hợp lòng dân, khiến dân suy giảm lòng tin. Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là thể hiện tinh thần kiên quyết giữ gìn sự trong sạch của Đảng, củng cố niềm tin của dân với Đảng. Là một đảng viên được kết nạp ở chiến trường, ông vẫn tin tưởng sắt đá vào sự bền vững của lý tưởng, sự phát triển của đất nước. Ông nói: Chúng ta không hổ thẹn khi học lại Di chúc của Người.
Nhập ngũ cùng ngày với ông Tạ Chu, ông Dương Văn Học (số nhà 1, ngõ 39, tổ 29, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên) chiến đấu ở Tiểu đoàn Phòng không, Sư đoàn 312. Từ năm 1968 đến 1972, ông tham gia Chiến dịch Mường Sủi, Chiến dịch Cù Kiệt, chiến đấu tại chiến trường Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng trên nước bạn Lào.
Cuối tháng 8-1969, đơn vị của ông Học liên tục được thủ trưởng thông tin về tình hình sức khỏe của Bác Hồ. Mọi người đã dự cảm được điều chẳng lành đang đến. Ngày 3-9, được tin Bác mất, cả đơn vị lặng đi. Ông Học nhớ lại: Mọi người im phắc, ai nấy tản về võng nằm, đây đó có tiếng khóc sụt sùi. Những ngày sau, đơn vị tập trung nghe đài, theo dõi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cánh rừng nước bạn, các chiến sĩ nghe như nuốt từng lời điếu văn, từng câu di chúc của Bác. Ngay sau đó, đơn vị phát động phong trào thi đua lập công xuất sắc đến từng trung đội, khẩu đội. Riêng ông Học nhớ như in câu đầu tiên của bản Di chúc: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Lời khẳng định của Bác đã củng cố thêm niềm tin của các chiến sĩ vào ngày toàn thắng. Và quả nhiên, điều đó đã thành sự thật.
Bị thương tại cuộc chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, năm 1973, ông Học chuyển ngành, học Trường Tuyên giáo Trung ương. Sau khi ra trường, về công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Năm 1987, chuyển sang công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên, làm Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp, rồi Phó Văn phòng Tỉnh ủy. Năm 2005, ông Học nghỉ hưu, lại đảm nhận hai khóa làm Bí thư Chi bộ tổ 29. Ông đã đóng góp sức mình để sinh hoạt Đảng ở đây đi vào nền nếp, xây dựng các tổ chức đoàn thể, chính quyền vững mạnh. Chi bộ liên tục đạt danh hiệu Trong sạch, vững mạnh, tổ dân phố liên tục là Tổ văn hóa cấp thành phố.
Nói về thực hiện Di chúc của Bác, ông Học khẳng định: Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã giành được những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, cũng như xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, cũng có nhiều mặt còn hạn chế, trước hết là trong công tác xây dựng Đảng, đúng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã chỉ ra. Đó là: Vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng bị phai nhạt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trên lĩnh vực cải cách hành chính cũng đã có một bước tiến bộ quan trọng, đã tạo điều kiện thúc đẩy sự tiến bộ vượt bậc cho kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế cả trên 3 mặt: Cải cách bộ máy, cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính.
Nhìn lại 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ kính yêu, vẫn còn điều chưa hài lòng, nhưng 2 cựu chiến binh năm xưa chung một niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Khi Bác mất, đất nước ở thời điểm rất khó khăn, nhưng Đảng đã tài tình chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua phong ba bão táp, tiến lên theo mục tiêu xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được điều Người mong muốn.