(TN) - Vừa độ Thu chín, nhớ Người - vị Đại tướng của nhân dân đã về “cõi tiên”, tròn Thu yên nghỉ (ngày 30-8 âm lịch, tức ngày 4-10-2013). Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự, một trí tuệ uyên bác và là một biểu tượng sống, đại diện cho những gì tốt đẹp nhất thuộc về phẩm chất của dân tộc Việt Nam. Người đã đi xa, nhưng vẫn còn đây bóng hình thân thương, gần gũi trong niềm nhớ vô hạn giữa lòng dân.
Dù chỉ là thế hệ hậu sinh, cất tiếng khóc chào đời trong hòa bình độc lập, tôi cũng như những bạn đồng lứa chưa từng biết chiến tranh, nhưng từ lúc ấu thơ, qua trang vở học trò, tôi được biết về vị Đại tướng, một con người có lối sống dung dị, song lại là một vị tướng siêu phàm, ngay cả kẻ thù ở bên kia chiến tuyến được “lấy làm vinh hạnh” khi bại trận trước ông. Ông là một học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cùng quân dân Việt Nam làm nên một huyền thoại Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến thống nhất đất nước.
Đêm không ngủ, nghe ngoài trời đầy tiếng dế rỉ ri, tôi vục dậy đến bên tủ sách, lấy cuốn: “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù đã đọc cuốn sách của ông không dưới 3 lần, nhưng lần này tôi vẫn bị cuốn vào từng dòng sử hào sảng mà đầy gian khổ, hy sinh của quân, dân ta ở chặng đường kết thúc chiến dịch.
Đọc và ngẫm mới thấy ông là người quả quyết, có sức chiến đấu kiên cường, bền bỉ nhưng lại rất đầm ấm tình người với bộ đội, dân công và mọi người dân. Có lần từ Tây - Bắc về Phú Đình (Định Hoá), trước giờ họp Bộ Chính trị, từ một ngôi nhà sàn trên đỉnh đèo De, ông nhìn qua cửa sổ, cảm xúc, viết: Vẫn cảnh vật, con người như thế, nhưng thấy cái cây như thấy người quen thân… Lần nào đọc đến dòng này, tôi cũng dừng lại, cảm động: Một vị tướng thiên tài cả thế giới ngưỡng mộ, nhưng có phong cách sống mang tâm tư tình cảm, chan chứa đầy tình yêu con người và thiên nhiên.
Người đặc biệt dành cho vùng đất Thái Nguyên một tình cảm sâu nặng, coi Thái Nguyên là quê hương của mình. Và trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thân. Bởi thế khi ông mất, nhiều gia đình, dòng họ ở Thái Nguyên, nhất là ở vùng đất ATK Định Hoá đã để tang, lập bàn thờ Người với một tấm lòng thành kính.
Cựu chiến sĩ Điện Biên, ông Mông Đức Ngô, xã Phượng Tiến (Định Hóa) tự hào, kể: Ngày tham gia chiến dịch Điện Biên, tôi là Trung đội trưởng thông tin. Đơn vị đóng ở đồi Mường Phăng. Nhiệm vụ của tôi và anh em trong đơn vị là truyền mệnh lệnh của Đại tướng đến các đơn vị chiến đấu tại Điện Biên Phủ… Rưng rưng nước mắt, ông lấy cho tôi xem những bức ảnh ông được chụp cùng Đại tướng ngày ở Điện Biên và những năm tháng sau này khi đã rời quân ngũ trở về xây dựng quê hương. Giây lát dừng lời, ông tiếp tục câu chuyện: Có lần về thăm lại Định Hóa, thấy tôi đứng nghiêm ở một chỗ, Đại tướng đến hỏi: Gia đình anh sống thế nào? Có đủ ăn không?... Sự ân cần của Đại tướng khiến tôi xúc động đến trào nước mắt.
Còn cựu chiến sĩ Điện Biên, ông Nguyễn Đức Chính, tổ 15, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), người chiến sĩ vô tuyến điện năm xưa ở Mường Phăng kể: Do đặc thù nhiệm vụ, đơn vị chúng tôi luôn ở gần Sở Chỉ huy mặt trận, nên trong suốt chiến dịch Đông - Xuân (1953-1954), chúng tôi thường xuyên được Đại tướng đến thăm hỏi, động viên. Lần nào Đại tướng cũng có quà cho cán bộ, chiến sĩ, khi hộp sữa, cân đường, lúc phong lương khô, bao thuốc lá… Tình cảm của Đại tướng dành cho chúng tôi thân thiết như người cha dành cho con.
Bà Ma Thị Tôm (Phú Đình, Định Hoá) bảo: Ngày đất nước kháng chiến, thỉnh thoảng tôi thấy Đại tướng đi ngựa đến họp với Bác Hồ ở Tỉn Keo… thế mà đã hơn 60 năm rồi. “Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa”, Thủ đô kháng chiến năm xưa đã đổi thay nhiều, những địa danh: Tỉn Keo, Khuôn Tát, Đèo De… (Phú Đình) đã trở thành di tích lịch sử. Hằng ngày cháu con trên mọi miền đất nước về đây, cùng ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc. Còn chúng tôi, nhân ngày đầy Thu Người, lặng lẽ về lại Pụ Đồn - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cho Người, để được nghe các cụ già và những người dân ở đây kể chuyện vị Đại tướng rất gần gũi với nhân dân - Võ Nguyên Giáp.
Trước di ảnh Người, chúng tôi xin thắp nén trầm thơm, dâng kính, bái vọng Người ngàn Thu an giấc. Trong khói trầm thơm gợi niềm hoài niệm, chợt có tiếng chuông từ đỉnh đèo De, nơi Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngân rung, vọng về chân đồi Pụ Đồn, nghe thong thả từng tiếng chuông, vọng vào thinh không làm thời gian như ngưng lại, đưa chúng tôi về với những sự kiện được khắc ghi trong sử xanh: Tháng 12-1944, giữa sự bủa vây, khủng bố của thực dân Pháp, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, gồm 36 người, do Võ Nguyên Giáp phụ trách, và trở thành tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, lúc đó ông 37 tuổi. Trong cuộc đời cầm quân của mình, từ năm 1946 đến năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đánh bại 7 Đại tướng Pháp là: Philippe leclerc; Etienne Valluy; C.Blaijat; M.Corgente; Delattre De Tassigny; Raul Salan; Henri Navarre. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1960), Mỹ phải thay 2 đại sứ ở miền Nam; Tướng Hakin bị triệu hồi về nước; Tổng tư lệnh Westmoreland bị cách chức; tướng F.C.Weyand là người cuốn cờ để rút quân về Mỹ. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn bị chết 12 tướng, bị thương 8 tướng khác trong chiến tranh Việt Nam.
…Vừa độ Thu chín, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thanh thản về bến bờ cực lạc. Còn lưu lại với sử Xanh nhân loại không chỉ là 103 mùa xuân với đầy ắp chiến công hiển hách, mà là tấm lòng đức độ của một con người.